'Giải phẫu' phe đối lập Syria

Kể từ khi cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria bắt đầu quân sự hóa, mọi con mắt của dư luận thế giới đều tập trung vào Quân đội Syria Tự do (FSA) và “cánh tay chính trị nối dài” của đội quân này là Hội đồng Dân tộc Syria (SNC). Trên thực tế, sự tập trung vào FSA và SNC đã che khuất một nhân tố quan trọng có vai trò tiên phong trong cuộc nổi dậy ở Syria: Đó là các “ shabab” - những thanh niên đứng ra tổ chức phe đối lập chính trị trong nước. Nếu không có các “shabab”, cả SNC lẫn FSA không có lý do gì để tồn tại. Nói cách khác, bộ phận này đang được phe đối lập và những người chống chính quyền Assad xem là “chỗ dựa cho tương lai của đất nước”.

Nội bộ phe đối lập ở Syria đang tồn tại nhiều bất đồng. Trong ảnh là các phần tử nổi dậy ở thành phố Aleppo ngày 13/8 Ảnh: AFP


Gần 17 tháng trôi qua kể từ khi phong trào nổi dậy tại Syria bùng nổ, phe đối lập trong nước cũng như phe đối lập ở nước ngoài vẫn chưa thoát khỏi những bất đồng về chiến lược và sách lược. Mối liên hệ giữa FSA và SNC cũng không chặt chẽ như nhiều người vẫn tưởng. Bên trong phe đối lập Syria đang tồn tại rất nhiều hình thức phối hợp cục bộ địa phương. Tờ Le Monde (Pháp) đã có bài phân tích về 5 thành tố chính của phe đối lập Syria như sau:


1 - Tổng ban Cách mạng Syria (SRGC)


SRGC là một mạng lưới điều phối địa phương được thành lập vào tháng 8/2011, với sự hợp nhất Liên minh Điều phối Cách mạng Syria và Liên minh Điều phối Độc lập với mục đích “tổ chức việc điều động thực địa, thực hiện các chiến lược và thống nhất các yêu sách của phe đối lập”.


Cơ cấu tổ chức của SRGC tuân theo hình chóp. Cao nhất là Hội đồng Cách mạng, bộ máy quyết định gồm 41 thành viên được lựa chọn trong số các chức trách của các tiểu vùng Syria và được chia thành 7 phòng, gồm: Phòng Chính trị, Phòng Thông tin, Phòng Hồ sơ và Thống kê, Phòng Pháp lý, Phòng Hậu cần, Phòng Nhân sự và Phòng Dịch thuật. Ở bên dưới có 14 Hội đồng Tiểu vùng, với cơ cấu 7 phòng tương tự các phòng của Hội đồng Cách mạng. SRGC theo đuổi di sản tinh thần, văn hóa và đạo đức Hồi giáo nhưng từ chối liên minh với tổ chức Những người anh em Hồi giáo Syria.


Cho đến nay, nhiều thành viên của SRGC thường tỏ thái độ bất mãn với SNC vì cho rằng tổ chức này hoạt động không hiệu quả, hơn nữa lại có nhiều thành viên thuộc nhóm Những người anh em Hồi giáo. Hiện SRGC đang cố gắng điều phối hoạt động với FSA. SRGC ủng hộ sự can thiệp gián tiếp của bên ngoài vào Syria, chẳng hạn gây sức ép thiết lập vùng cấm bay và ủng hộ vật chất cho các binh sĩ của FSA như đã từng diễn ra tại Libi.


2 - Các Ủy ban Điều phối Địa phương (LCC)


Được thành lập vào tháng 4/2011 trên nền tảng hoàn toàn thế tục, LCC đặt ra các mục tiêu tương tự SRGC nhưng ít đại diện hơn, với tổng cộng khoảng 60 nhóm điều phối địa phương. Có nhiều ảnh hưởng nhất là các nhóm hoạt động tại thủ đô Đamát và các vùng phụ cận như Daraya, Dummar và Al-Zabadani.


Khác với SRGC, LCC có tới 10 đại diện trong SNC. Nhưng cũng như SRGC, LCC có sự phối hợp chặt chẽ với FSA trong quá trình làm việc và có quan điểm ủng hộ sự can thiệp nhất định của bên ngoài vào Syria.


3 - Ủy ban Điều phối Toàn quốc vì Thay đổi Dân chủ (NCCDC)


NCCDC là một liên minh chính trị có đại diện trong nước là Hassan Abd Al-Azim và ngoài nước là Haytham Manna, một nhà hoạt động nhân quyền. Tổ chức này đang rất có ảnh hưởng và được xem là nhánh Syria của Đảng người Cuốc (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trái với hai nhóm liên minh nêu trên, NCCDC không có bất cứ hoạt động điều phối nào trên thực địa, mà duy trì một mạng lưới cảm tình viên chủ yếu đóng đô tại thủ đô Đamát, Douma, Aleppo và vùng Hauran.


Về quan điểm chính trị, NCCDC một mặt ủng hộ việc đàm phán với chính quyền Assad để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, mặt khác luôn tỏ thái độ thù địch với FSA và mọi hành động bạo lực chống chế độ, bởi nhiều thành viên trong NCCDC cho rằng đối lập vũ trang sẽ dẫn chế độ đến đấu trường ưa thích và kết cục là một chiến thắng cho họ. Theo đó, NCCDC hoàn toàn phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào công việc của Syria. Lập trường này của NCCDC đã vấp phải sự phản đối của đại đa số các nhân vật ly khai ở Syria.


4 - Những người anh em Hồi giáo Syria (SMB)


Kể từ đầu năm 2012, SMB, với ban lãnh đạo đóng tại Ixtanbun (Thổ Nhĩ Kỳ), đã có những nỗ lực huy động mạng lưới cảm tình viên đầu tiên. Đội ngũ lãnh đạo và thành viên của tổ chức này đã sống lưu vong từ hơn 30 năm nay do áp lực từ phía chính quyền Syria và do hiệu lực của Luật số 49 được ban hành tháng 7/1980 quy định việc trừng phạt những đối tượng gia nhập phong trào Hồi giáo này.


Gần đây, SMB đã bị một số thành viên trong phe đối lập buộc tội bòn rút quỹ viện trợ nhân đạo của SNC để tài trợ cho những người ủng hộ mình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phong trào này có ngân quỹ riêng, mà nguồn gốc chủ yếu là sự trợ giúp của các nền quân chủ dầu lửa vùng Vịnh, chẳng hạn Cata. Rất khó nhận biết, đánh giá sức nặng cụ thể của các tiểu đoàn SMB, các nhóm vũ trang này chủ yếu tập trung tại các tiểu vùng thuộc phía bắc Syria như Aleppo, Idlib và Hama. Cũng như SRGC và LCC, SMB có quan điểm ủng hộ một sự can thiệp giới hạn của bên ngoài vào Syria.


5 - Mặt trận Al-Nusra


Mặt trận Al-Nusra (AF), thành lập tháng 2/2012, được giới thiệu như là Al-Qaeda của Syria. AF đã đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công liều chết tại Đamát và Aleppo hồi đầu năm nay. AF không nhận được sự ủng hộ của dư luận cũng như các cộng đồng tôn giáo thiểu số và các nhóm đối lập thế tục Syria, bởi nhóm này mang nặng tư tưởng giáo phái cực đoan. Trên thực tế, AF từ chối mọi hình thức hợp tác với các nhóm phi Hồi giáo và tôn thờ mục tiêu thiết lập một nhà nước Hồi giáo chịu sự thống trị của luật Hồi giáo hà khắc. Tổ chức này cũng chống lại mọi sự can thiệp của bên ngoài, cho rằng sự can thiệp này che giấu âm mưu thống trị Syria.


Tuy nhiên, một phong trào như AF có khả năng tiềm ẩn trong việc kích động và huy động những tín đồ Hồi giáo cực đoan tại Syria, những phần tử vốn đang bị hấp dẫn bởi tính kỷ luật, kỹ năng quân sự và kinh nghiệm du kích kiểu Al-Qaeda.


Theo tờ Le Monde, 3 nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất bên trong phe đối lập ở Syria là SRGC, LCC và SMB. Hiện 3 nhóm này đang cố gắng gạt các bất đồng sang một bên để phối hợp chặt chẽ với nhau cùng hướng tới mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn chưa đủ để cho ra đời một liên minh chính trị đại diện cho toàn bộ phe đối lập Syria.


Nguyễn Tuyên(P/v TTXVN tại Pháp)

 Phe đối lập tại Syria ngày càng yếu thế tại Aleppo
Phe đối lập tại Syria ngày càng yếu thế tại Aleppo

Phe đối lập Syria đang tỏ ra ngày càng yếu thế tại thành phố chiến lược Aleppo khi quân chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tổng phản công trong ngày thứ năm liên tiếp, siết chặt cửa ngõ phía nam ở thành phố lớn nhất nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN