Gắn thiết bị định vị toàn cầu kiểm soát xe công

Trùng Khánh thu hồi hơn 6.000 chiếc xe công ngoài tiêu chuẩn. Quảng Châu sẽ gắn thiết bị định vị toàn cầu cho xe công để kiểm tra xem liệu chúng có bị sử dụng vào mục đích cá nhân hay không.

Bắc Kinh chuẩn bị công khai số lượng xe công, thời gian có thể là vào cuối tháng 3 này… Câu chuyện xe công ở Trung Quốc tiếp tục nóng lên khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh trong báo cáo công tác của chính phủ rằng mức tăng trưởng chi tiêu cho việc vận hành và mua sắm xe công năm 2011 này về nguyên tắc sẽ bằng không.

Gắn thiết bị định vị toàn cầu kiểm tra xe công-Ảnh internet


Nhu cầu cải cách chế độ xe công

Thực ra, vấn đề cải cách chế độ xe công, theo ủy viên Chính hiệp toàn quốc, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Sơn Đông Tôn Kế Nghiệp, luôn là một điểm nóng xã hội được quần chúng nhân dân quan tâm. Vào thời kỳ đầu của cải cách mở cửa, do trong nước thiếu nhà máy sản xuất ô tô, một số vị lãnh đạo đã trang bị cho mình xe ô tô nhập khẩu, làm người dân xôn xao bàn tán, bảo rằng “dưới mông của vị lãnh đạo kia là nửa tòa nhà”. Thêm vào đó là việc một số vị lãnh đạo biến xe công thành xe riêng, lấy xe công để chở người nhà đi du lịch vãn cảnh, thậm chí là đưa con đến trường, khiến lời kêu gọi cải cách chế độ xe công ngày càng lớn.

Sử dụng xe công không đúng mục đích rất dễ gây tổn hại đến hình ảnh xã hội của chính quyền. Thực tế đó, ai cũng có thể nhận ra và vì thế ngày càng có nhiều người ủng hộ việc cải cách chế độ xe công. Theo đại biểu Nhân đại Toàn quốc (Quốc hội), Cục phó Cục Thống kê tỉnh Hồ Bắc, ông Diệp Thanh, hiện nay ở Trung Quốc có ba nguồn sức mạnh chính hậu thuẫn cho việc cải cách chế độ xe công: Một là kiến nghị của các học giả, hai là yêu cầu của dân chúng và ba là yêu cầu tự thân của các công vụ viên (nhân viên nhà nước), nhất là những cán bộ cấp phòng và phó phòng trở xuống vì nếu làm vậy, họ sẽ được nhận tiền trợ cấp giao thông.

Cải cách chế độ xe công như thế nào?

Vấn đề cải cách chế độ xe công ở Trung Quốc đã trở thành bức thiết. Sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ rõ trong báo cáo công tác chính phủ rằng phải quy phạm việc quản lý trang bị xe công và tích cực thúc đẩy cải cách chế độ xe công, người ta đồ rằng Trung Quốc sẽ có những “động thái lớn” trong vấn đề xe công.

Bên cạnh việc đánh giá cao cam kết của chính phủ hạn chế tăng trưởng chi tiêu cho việc vận hành và mua sắm xe công năm 2011 về mức 0% trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu mua sắm xe công hàng năm của Trung Quốc hiện nay là trên 20%, theo tờ Tân Kinh báo số ra ngày 8/3, quần chúng nhân dân mong muốn nhìn thấy rõ hơn quyết tâm của chính phủ trong việc cải cách chế độ xe công, nhất là những tiến bộ trong việc công khai hóa thông tin liên quan đến xe công.

Thực hiện chế độ giao thông phí có thể giúp giảm tắc nghẽn giao thông. Ảnh: Internet


Báo Tiền Giang Buổi chiều dẫn lời của đại biểu Nhân đại Toàn quốc, phó Thị trưởng Bắc Kinh, ông Cát Lâm, cho biết việc cải cách chế độ xe công phải bắt đầu từ việc công bố số lượng xe công. Từ trước tới nay, việc số lượng xe công luôn nằm trong “bóng tối” đã trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng các thông tin liên quan của “thông tấn xã vỉa hè”.

Một khi số lượng xe công được công khai sẽ không có việc Quảng Châu phải lên tiếng nói rằng số lượng xe công của thành phố này chỉ khoảng 30.000 chiếc trước tin đồn Quảng Châu có tới 200.000 xe công. Nhưng quan trọng hơn là người dân không bị hiểu nhầm rằng tiền thuế mà họ đóng bị chi tiêu quá nhiều vào việc mua sắm, sử dụng xe công và duy trì hoạt động của chúng.

Bên cạnh đó, việc cải cách chế độ xe công, theo ông Diệp Thanh, cần phải tiến hành trợ cấp giao thông phí cho công vụ viên, mức trợ cấp bao nhiêu có thể xem xét trên cơ sở bậc lương và chức vụ. Trợ cấp giao thông phí là việc mà chính phủ hoàn toàn có thể làm được mà không kéo theo những ảnh hưởng không mong muốn như tăng lương.

Liên quan đến việc dư luận lo rằng các công vụ viên sau khi nhận tiền trợ cấp rồi vẫn sử dụng xe công trái quy định, ông Diệp Thanh cho rằng, có thể giải quyết bằng cách như Quảng Châu chuẩn bị thực hiện (gắn thiết bị định vị toàn cầu cho xe công để kiểm tra xem chiếc xe đó đi tới đâu, có đúng địa điểm công tác không), hay dùng một loại sơn màu đặc biệt sơn cho xe công để dễ nhận dạng xe công và ngoài thân xe ghi rõ chữ “CÔNG” (hàm ý là xe công). Rốt cuộc, chiếc xe này đi tới đâu, người dân đều biết đó là phương tiện do mình đóng thuế mà có, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát.

Trở lực từ nhân tố lợi ích

Lợi ích từ việc cải cách chế độ xe công, ai cũng rõ. Ông Diệp Thanh kể rằng từ năm 2003 khi được điều từ trường Đại học Kinh tế Trung Nam về nhận chức Cục phó Cục Thống kê tỉnh Hồ Bắc, ông lập tức thực hiện “cải cách xe công” đối với bản thân: Tự mua xe, tự lái, mỗi tháng nhận 1.000 nhân dân tệ trợ cấp xăng dầu đi làm, đi công tác thanh toán theo thực báo, thực tiêu.

Kết quả so sánh, mỗi năm, ông Diệp Thanh tiết kiệm cho nhà nước ít là 80.000 nhân dân tệ (hơn 251 triệu VND), nhiều lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 314 triệu VND). Nếu cả nước cải cách xe công như vậy, ông Diệp Thanh cho biết, mỗi năm chi tiêu cho xe công của Trung Quốc ít nhất cũng giảm được 100 tỉ nhân dân tệ (trên 314.000 tỉ VND).

Bằng những gì đã trải qua trong 8 năm qua, ông Diệp Thanh còn cho biết việc tự mua xe, tự lái xe đi làm của mình hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến công việc. Từ đó, tờ Tân Kinh báo cho rằng có thể thấy việc cải cách chế độ xe công ở Trung Quốc dù đã được “hò hét” hơn 20 năm nay, nhưng vẫn không tiến triển bao nhiêu chính là do sự cản trở của nhân tố lợi ích.

Còn theo ông Diệp Thanh, trở lực đối với việc cải cách chế độ xe công ở Trung Quốc đến từ hai phương diện. Một là “thuyết đãi ngộ”, khi ngồi vào chức vị nhất định, một số cán bộ liền hi vọng được hưởng một số đãi ngộ. Tiến hành cải cách chế độ xe công cũng có nghĩa sẽ xóa bỏ đãi ngộ sử dụng xe công mà với nhiều cán bộ, việc này khó có thể chấp nhận.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã có quy định về chỉ tiêu xe công, xe nhiều hơn chỉ tiêu phải trả lại, nhưng rất ít đơn vị, cơ quan có nhiều xe hơn chỉ tiêu đem trả lại xe cũ vì sợ rằng chỉ tiêu sử dụng xe sẽ bị bãi bỏ. Hai là “thuyết an toàn”, rất nhiều người cho rằng quan chức tự mình lái xe dễ phải đối mặt với ẩn họa về sự an toàn (nên tốt nhất là dùng xe công, có lái xe riêng).

Hà Ngọc (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN