G20 chưa tìm được giải pháp cụ thể đối với tranh chấp thương mại

Tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia, ngày 12/10, lãnh đạo giới tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã tìm ra nhiều cách thức để bảo vệ kinh tế toàn cầu trước căng thẳng thương mại đang không ngừng leo thang, song không một tuyên bố chung nào về những giải pháp cụ thể được đưa ra.

Chú thích ảnh
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 chụp ảnh chung tại hội nghị thường niên IMF-WB ở Bali, Indonesia ngày 11/10/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc hội nghị trên, Bộ trưởng Ngân khố Argentina - nước giữ chức Chủ tịch G20 trong năm 2018 - ông Nicolas Dujovne cho biết các nước thành viên G20 đã nhất trí cho rằng thương mại là "một động cơ quan trọng trong guồng máy phát triển" và lãnh đạo tài chính các nước thừa nhận thực tế là cần "giải quyết những căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường cũng như làm gia tăng tính bất ổn hệ thống tài chính".

Theo ông Dujovne, do G20 còn nhiều hạn chế, nên tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên cần phải được giải quyết giữa các bên liên quan. Cụ thể như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Dujovne nhấn mạnh cuộc tranh chấp này chỉ có thể được giải quyết giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Đồng quan điểm nêu trên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định "đây là vấn đề rõ ràng cần phải được thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc".

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào tháng 11 tới sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này.

Ngoài tranh chấp thương mại, tại hội nghị lần này, lãnh đạo giới tài chính G20 cũng đã thảo luận về tình trạng dễ tổn thương của các nền kinh tế mới nổi trước nguy cơ thoái vốn xuất phát từ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Hiện đồng nội tệ của một số nước như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi trượt giá thảm hại sau khi Mỹ đang nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ sau nhiều năm duy trì mức lãi suất cho vay gần 0%, như một giải pháp đối phó vói tình trạng suy thoái kinh tế trước đó.

Hội nghị thường niên IMF - WB diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ gây bất ổn cũng như kìm hãm các hoạt động kinh tế một cách nghiêm trọng.

IMF trong báo cáo mới nhất đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và năm 2019. Theo IMF, sự xáo trộn tại các thị trường mới nổi có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nữa nếu FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự đoán.

Lan Phương (TTXVN)
IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
IMF tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chiều 12/10, tại Bali, Indonesia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN