Eurozone bị thúc cải cách để giải quyết khủng hoảng

Liên minh châu (EU) vừa lên tiếng thúc giục các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đẩy mạnh các cải cách đã được nhất trí để giải quyết cuộc khủng nợ kéo dài gần 3 năm qua ở khu vực này, sau khi ba nước thành viên là Đức, Hà Lan và Phần Lan đưa ra một loạt các điều kiện cứng rắn mới đối với các cải cách, nhất là về Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).

 

Quảng cáo tại bến xe buýt ở Athens, Hy Lạp ngày 19/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Các nhà lập pháp trong Nghị viện châu Âu cũng lưu ý rằng việc thành lập một liên minh ngân hàng để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Eurozone có thể dẫn tới sự chia tách trong EU, giữa một bên là 17 thành viên Eurozone và bên còn lại là 10 nước thành viên EU không sử dụng đồng euro.

 

Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 6/2012 đã nhất trí thành lập một liên minh ngân hàng châu Âu với một cơ quan giám sát vào cuối năm nay, qua đó cho phép quỹ cứu trợ của EU có tên là ESM bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng khi cần thiết. Ủy ban châu Âu hồi đầu tháng này đã đề xuất Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ vai trò giám sát tất cả các ngân hàng trong Eurozone - bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một liên minh ngân hàng. Tuy nhiên, đề xuất này đã khiến 10 nước EU không sử dụng đồng euro hoang mang vì họ sợ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyền lực mới của ECB cũng như khả năng bị mất lợi thế cạnh tranh.

 

Vấn đề thành lập liên minh ngân hàng đã trở nên khá ầm ĩ trong những tuần qua, khi Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble hồi đầu tháng này cảnh báo không thể sử dụng ESM để tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng nếu chưa thành lập được một liên minh ngân hàng xuyên biên giới mới. Tại cuộc hội đàm ở Phần Lan ngày 25/9, Bộ trưởng Schaeuble cùng Bộ trưởng tài chính Hà Lan, Jan Kees De Jager, và Bộ trưởng tài chính Phần Lan, Jutta Urpilainen, đã đề ra bốn nguyên tắc liên quan đến việc sử dụng ESM, đồng thời thúc đẩy một liên minh hỗ trợ tài chính cho Tây Ban Nha và Hy Lạp.

 

Theo ba Bộ trưởng, các quyết định về việc ESM tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng đòi hỏi phải có một "bản ghi nhớ chung" được sự nhất trí của các thành viên, đồng thời ESM chỉ có thể "nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết những vấn đề phát sinh dưới một cơ chế giám sát mới".

 

Phát ngôn viên EU, Olivier Bailly, nói rằng quan điểm của Bộ trưởng tài chính Đức, Hà Lan và Phần Lan là một phần của các cuộc tranh luận đang diễn ra. Trong những tuần tới, chính phủ các nước thành viên sẽ phải làm rõ các chi tiết khác nhau trong "thiết kế" cuối cùng của ESM.

 

 

Như Mai (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN