EU 'đau đầu' với lộ trình chuyển lương thực Ukraine qua Belarus để tránh phong tỏa của Nga

Các nhà lãnh đạo EU đang xem xét tất cả các biện pháp khả thi để vượt qua lệnh phong tỏa xuất khẩu lương thực của Nga đối với Ukraine.

Chú thích ảnh
Hiện có 20 triệu tấn lúa mì bị mắc kẹt ở Ukraine, quốc gia cùng với Nga, cung cấp tới một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu của thế giới. Ảnh: Euractiv.com

Khi các nhà lãnh đạo EU gặp nhau vào ngày 31/5, ngày thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh bất thường, họ sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập và các cách vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với hàng xuất khẩu của Ukraine.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét mọi cách để lách lệnh phong tỏa xuất khẩu lương thực do Nga áp đặt đối với các cảng của Ukraine, bao gồm cả nhiệm vụ hải quân hộ tống các tàu chở hàng, nhưng sẽ không chấp nhận yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, theo các nguồn tin trong EU.

Trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2, chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu đã bị cản trở bởi sự không chắc chắn - đặc biệt là liên quan đến lúa mì, ngũ cốc và dầu ăn.

Nông dân Ukraine hiện có ước tính khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa. Toàn bộ các quốc gia, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Phi, phụ thuộc vào nhập khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương của Ukraine.

Liên hợp quốc cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu các kho dự trữ của Ukraine vẫn bị phong tỏa. 

Theo các nguồn tin, các nhà ngoại giao EU đã thảo luận về tuyến đường qua Belarus - chuyển lương thực từ Ukraine đến Biển Baltic, thay vì Biển Đen. Ưu điểm của giải pháp như vậy là Belarus có chiều rộng đường ray tàu hỏa ngang với Ukraine, kế thừa từ thời Liên Xô.

Belarus là một quốc gia không giáp biển nhưng đã từng xuất khẩu một lượng lớn kali bằng đường sắt đến cảng Klaipeda của Litva. Litva cũng là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được thừa hưởng các đường ray tiêu chuẩn của Liên Xô.

EU đã cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu kali của Belarus, một loại phân bón quan trọng mà phần lớn ở châu Âu bị thiếu hụt. Quyết định này được đưa ra nhằm trả đũa việc Minsk bị cáo buộc hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào hoạt động xuất khẩu kali của Belarus đã được đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái sau vụ buộc hạ cánh một chuyến bay của Ryanair ở Minsk, dẫn đến việc nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega của ông này bị bắt, cả hai đều đang đi du lịch đến Litva.

Theo bình luận của Thủ tướng Latvia và Bỉ, một trong những cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đang rình rập là chuyển hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine qua Belarus. Tuy nhiên, khó khăn là về vấn đề chính trị: EU sẽ cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt gần đây đối với Belarus.

Khi được hỏi về tuyến đường vận chuyển lương thực của Ukraine qua Belarus, Thủ tướng Latvia Krišjānis Kariņš cho biết tất cả các phương án cần được đưa ra, nhưng tất cả đều tiềm ẩn những khó khăn.

“Belarus bị trừng phạt cùng với Nga. Nếu Belarus đồng ý xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, điều mà về mặt tự nhiên có thể làm khá dễ dàng qua các cảng Baltic, chúng tôi có rất nhiều điều kiện để thực hiện. Câu hỏi đặt ra là Belarus sẽ yêu cầu gì đổi lại. Và giá đó có thể quá cao”, ông Krišjānis Kariņš nêu rõ.

Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho biết tuyến đường qua Belarus dường như không khả thi vì các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết vấn đề này rất phức tạp và sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh. “Hãy nói về mọi thứ và tìm ra các giải pháp chung”, ông Bettel nói.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euractiv.com)
EU nhất trí hỗ trợ 9 tỷ euro cho Ukraine
EU nhất trí hỗ trợ 9 tỷ euro cho Ukraine

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 30/5 cho biết tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp 9 tỷ euro cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh xảy ra xung đột.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN