EU cầu viện thế giới giải cứu Eurozone

Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) và các đối tác lớn trên thế giới nỗ lực giải cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua việc đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong một tuyên bố, Chủ tịch Eurozone, ông Jean-Claude Juncker, cho biết EU mong muốn các thành viên G20 và các thành viên có tiềm lực tài chính khác hỗ trợ tài chính cho IMF nhằm giải cứu Eurozone khỏi nguy cơ tan vỡ cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Châu Âu mong muốn thế giới đóng góp cho những nỗ lực cứu trợ tài chính Eurozone.


Lời kêu gọi của Chủ tịch Eurozone được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn 3 tiếng rưỡi cùng ngày với đại diện 17 nước thành viên Eurozone, nhằm thảo luận về giải pháp cứu khu vực này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ nhấn chìm nhiều nền kinh tế. Tại cuộc họp này, các bộ trưởng tài chính EU đã không đạt được mục tiêu đề ra là huy động 200 tỷ euro từ các nước thành viên cho IMF để IMF có tiền hỗ trợ những nước gặp khó khăn về tài chính.

Nguyên nhân khiến EU không đạt được mục tiêu trên là do Anh đã từ chối tham gia kế hoạch cứu trợ Eurozone cũng như việc sửa đổi Hiệp ước Lixbon, theo đó thắt chặt hơn các quy định về tài chính tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm 9/12 vừa qua. Dựa vào hạn mức đóng góp tùy thuộc vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của từng nước, Anh dự kiến phải đóng góp 30 tỷ euro thông qua IMF để cứu trợ các nước khủng hoảng. Mặc dù vẫn giữ quan điểm không đóng góp cứu trợ Eurozone, nhưng Luân Đôn vẫn đánh đi tín hiệu sẽ hỗ trợ thêm tài chính cho IMF thông qua cơ cấu của G20. Bộ trưởng tài chính Anh George Osborne khẳng định nước này sẵn lòng cân nhắc tài trợ thêm cho IMF để thể hiện vai trò toàn cầu và thực hiện một phần của thỏa thuận toàn cầu của mình.

Trước đó, 17 quốc gia thành viên Eurozone đã nhất trí cho IMF vay 150 tỷ USD euro để tổ chức này đủ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Eurozone. Trong đó, với vai trò là trụ cột của khối, Đức cam kết đóng 41,5 tỉ euro. Khoản đóng góp được Pháp, nền kinh tế thứ hai trong khối, là 31,4 tỉ euro. Các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư là Italia và Tây Ban Nha được phân bổ 23,48 tỷ euro và 14,86 tỷ euro. Các nước có trọng trách lớn khác là Hà Lan với 13,86 tỷ euro và Bỉ với 9,99 tỷ euro. Ngoài ra, bốn nước EU không tham gia Eurozone là CH Séc, Đan Mạch, Ba Lan và Thụy Điển cũng cam kết cho IMF vay để sử dụng vào việc bình ổn liên minh tiền tệ này. Ba nước Eurozone đã phải nhận cứu trợ quốc tế là Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha, sẽ được miễn trách nhiệm đóng góp. Eurozone hy vọng các khoản vay thông qua các ngân hàng trung ương của khu vực dành cho IMF sẽ khuyến khích các nước ngoài châu Âu hỗ trợ tài chính cho “lục địa già” thông qua IMF.

Liên quan đến tình hình kinh tế châu Âu, ngày 20/12, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch cảnh báo có thể sẽ đánh tụt hạng, hiện đang ở mức cao nhất AAA, của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Âu (CEB), do hai ngân hàng này dựa vào huy động vốn từ các nước thành viên đang có vấn đề về tín dụng. Fitch cho biết đã đưa mức xếp hạng của hai ngân hàng nói trên vào diện “theo dõi tiêu cực” và có thể đánh tụt hạng trong vòng 3 tháng tới.

Lê Hải (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN