EP giục Anh bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU

Với 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng, trong phiên họp khẩn cấp ngày 27/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Anh ngay lập tức "kích hoạt" tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Các thành viên Nghị viện châu Âu biểu quyết trong một phiên họp. Ảnh: EPA/TTXVN

Đa số cử tri Anh đã lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23/6 vừa qua. Nghị quyết nêu rõ "ý nguyện rời khỏi EU của người dân Anh cần được tôn trọng đầy đủ, theo đó Anh phải kích hoạt ngay lập tức Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tiến trình ra khỏi EU".

Các cuộc thương lượng chính thức sẽ không bắt đầu cho tới khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - đánh dấu tiến trình kéo dài 2 năm tiến hành các thủ tục rút khỏi "mái nhà chung châu Âu".

EP thông qua nghị quyết trên sau khi ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg ngày 25/6 nhóm họp tại Berlin và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán việc Anh rời khỏi khối này.

Đại diện nhóm 6 nước đã kêu gọi chính phủ Anh cần nhanh chóng làm rõ và thực hiện ý nguyện của cử tri Anh “trong thời gian sớm nhất”. Việc nhanh chóng tiến hành đàm phán về quá trình Brexit là để EU không rơi vào tình trạng “lấp lửng” và để châu lục này có thể tập trung cho tương lai của mình.

Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua quyết định quy chế thành viên của Anh trong EU kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit - 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%.

Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này.

Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh. Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại đồng thuận.

Đức cam kết củng cố EU sau khi Anh rời khỏi liên minh


Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/6 đã khẳng định quyết tâm của Berlin duy trì quan hệ thân thiết với Anh đồng thời nỗ lực củng cố EU sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tuần trước, trong đó đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu đưa "đảo quốc sương mù" rời khỏi "mái nhà chung châu Âu", hay còn gọi là Brexit.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một sự kiện chính trị. Ảnh: EPA/TTXVN

Phát biểu trước Quốc hội Đức, bà Merkel nhấn mạnh "điều cốt yếu là tất cả 27 nước còn lại trong EU sẵn sàng và có khả năng thực hiện những bước đi đúng đắn tiến lên phía trước".

Bà Merkel cũng hoan nghênh tất cả những đề xuất nhằm giúp củng cố EU hậu Brexit, song nhấn mạnh phải tránh bất cứ biện pháp nào có thể "kích động" các quốc gia khác đòi rời liên minh này.

Thủ tướng Đức nêu rõ EU "đủ mạnh để tiếp tục đứng vững sau khi Anh rời liên minh", theo đó vẫn đảm bảo được "hòa bình, thịnh vượng và ổn định” của liên minh, đồng thời bảo vệ thành công những lợi ích và vị thế của khối trên trường thế giới trong tương lai.

Trước đó, trong cuộc họp chiều ngày 27/6 tại Berlin, bà Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã cùng hối thúc EU cần một “động lực mới” sau Brexit, cũng như phải thay đổi cách thức làm việc của khối.

Liên quan vấn đề Brexit, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) tuyên bố nước này tôn trọng quyết định rời EU của người dân Anh, trong bối cảnh Manila tìm cách duy trì quan hệ với cả London và EU.

Tuyên bố của DFA nhấn mạnh quan hệ sâu sắc giữa Philippines và Anh trong 70 năm qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ song phương.

Hiện có khoảng 200.000 người Philippines đang cư trú tại Anh và hơn 154.000 khách du lịch Anh đã tới Philippines trong năm 2015. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 1,8 tỷ USD/năm.

TTXVN/Tin Tức
Anh đề xuất trưng cầu dân ý về các điều khoản rời EU
Anh đề xuất trưng cầu dân ý về các điều khoản rời EU

Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về những điều khoản của việc nước này rời EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN