Đụng độ tại Ai Cập, 90 người thương vong

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 27/12, các cuộc đụng độ giữa người dân địa phương, cảnh sát và những người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 87 người bị thương.


Ai Cập lại chìm trong bạo lực. Ảnh: Reuters


Sau lễ cầu nguyện buổi trưa, nhiều người Hồi giáo đã đổ xuống đường nhằm phản đối tuyên bố ngày 25/12 của chính phủ lâm thời Ai Cập coi MB là tổ chức khủng bố. Theo thông báo của Bộ Nội vụ nước này, một thanh niên 18 tuổi đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ tại thành phố Damietta ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile. Hai người còn lại bị thiệt mạng tại thủ đô Cairo và tỉnh Minya ở vùng Thượng Ai Cập. Một nguồn tin chính thức tiết lộ phần lớn trong số 87 người bị thương do trúng đạn ghém.

Đặc biệt, đụng độ đã làm bị thương Phó Giám đốc Sở cảnh sát tỉnh Minya và một thành viên của Phong trào Tamarod (Nổi dậy) - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 vừa qua dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi. Lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 265 người biểu tình, trong đó có 28 phụ nữ. Ba xe cảnh sát đã bị những người biểu tình đốt cháy.

Tại thủ đô Cairo, sinh viên trường đại học Al-Azhar - cơ sở thuộc nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập - đã tổ chức biểu tình tại quận Nasr City nhằm phản đối vụ sát hại một bạn đồng môn hôm 26/12, trước khi dùng gạch đá tấn công lực lượng cảnh sát được triển khai án ngữ tại các lối vào trường. Tại quận Zeitoun, lực lượng an ninh đã buộc phải can thiệp nhằm ngăn chặn những người biểu tình tuần hành tới Dinh tổng thống Qoba. Tại tỉnh Giza và tỉnh Luxor ở vùng Thượng Ai Cập, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình và chấm dứt việc phong tỏa giao thông của phe Hồi giáo. Những người ủng hộ MB cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm bên bờ Địa Trung Hải, các tỉnh Sohag, Fayoum, Beni Suef, Beheira, Port Said, Ismailia và một số địa phương khác.

Ngày 27/12, một luật sư của MB cho biết chính quyền Ai Cập đã ra lệnh phong tỏa tài sản của tất cả các thành viên Hội đồng Hướng dẫn và các tổ chức phi chính phủ (NGO) có liên hệ với phong trào Hồi giáo này. Thứ trưởng Tư pháp Ai Cập Ezzat Khamis xác nhận tài sản của 132 thủ lĩnh của MB đã bị "đóng băng" theo phán quyết trước đó của tòa án. Chính phủ cũng thành lập một ủy ban để quản lý tài sản, bao gồm cả xe cộ, đất nông nghiệp và cổ phần tại các công ty niêm yết của 1.054 NGO được cho là do MB điều hành.


Trong khi đó, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do MB đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi, tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình ôn hòa trong tuần tới. Liên minh này cũng cáo buộc chính phủ lâm thời Ai Cập "hành xử thô bạo đối với những nhóm người nghèo nhất trong xã hội", ra các quyết định "bất hợp pháp" và phạm các "tội ác khủng bố".


TTXVN/Tin tức
Phe Hồi giáo lại biểu tình rầm rộ tại Ai Cập
Phe Hồi giáo lại biểu tình rầm rộ tại Ai Cập

Hàng nghìn người Hồi giáo Ai Cập ngày 6/9 tiếp tục đổ xuống đường biểu tình tại một số tỉnh và thành phố, đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN