Đức thông qua Hiệp ước tài chính châu Âu và ESM

Tối 29/6, Quốc hội hai viện của Đức đã thông qua dự luật về Hiệp ước tài chính châu Âu và dự luật về Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), được thành lập để thay thế Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

 

Tại Hạ viện, dự luật Hiệp ước tài chính châu Âu đã nhận được 491/608 phiếu ủng hộ. Dự luật về ESM nhận được 493/604 phiếu ủng hộ. Tại Thượng viện, cả hai dự luật trên đều nhận được 65/69 phiếu ủng hộ.

 

Với Hiệp ước tài chính châu Âu, 25/27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trừ Anh và CH Séc, tham gia ký kết đã cam kết siết chặt kỷ luật ngân sách và ngăn chặn thâm hụt ngân sách quá mức cho phép (3%). ESM, trị giá 500 tỷ ơrô, bắt đầu hoạt động từ tháng 7 và sẽ cấp viện trợ cho những nước thành viên thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngập trong nợ nần, đồng thời có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong Eurozone.

 

Thủ tướng Angela Merkel coi đây là một bước đi quan trọng thể hiện rõ ràng với thế giới lập trường của Đức ủng hộ đồng euro. Nguồn: Internet.

 

Trong tuyên bố chính phủ trước khi tiến hành tranh luận và biểu quyết, Thủ tướng Angela Merkel đã khẩn cấp kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hai dự luật này, coi đây là một bước đi quan trọng thể hiện rõ ràng với thế giới lập trường của Đức ủng hộ đồng euro, qua đó châu Âu sẽ có những bước đi không thể đảo ngược hướng tới một "Liên minh ổn định lâu dài".

 

Tuy nhiên, trước đó, những quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 28-29/6 đã gây tranh cãi trong các nghị sĩ Đức. Nhiều người cho rằng Thủ tướng Merkel đã phải nhân nhượng quá nhiều trước sức ép của Italia và Tây Ban Nha trong việc sử dụng ESM để cứu trợ trực tiếp cho các ngân hàng và mua lại công nợ của những nước thành viên mà không cần những ràng buộc nghiêm ngặt.

 

Mặc dù vậy, Tòa án Hiến pháp Đức đã đề nghị Tổng thống Joachim Gauck chưa ký ngay hai dự luật này sau khi được Quốc hội thông qua, để tòa có thời gian xem xét những kiến nghị có thể có. Một quyết định như vậy có thể mất vài tuần.

 

Để Hiệp ước tài chính mới chính thức có hiệu lực, trong những tháng tới, 25 nước EU đã ký hiệp ước cần phải phê chuẩn văn kiện này. Hiện chỉ có Ailen tuyên bố sẽ đưa hiệp ước ra trưng cầu ý dân. Dự kiến, các nước còn lại sẽ đưa ra quốc hội để xem xét thông qua hiệp ước.

 

 

TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN