Đức - Thổ nhất trí cải thiện quan hệ song phương

Ngày 6/1, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc gặp tại thành phố Goslar (Đức). Hai bên nhất trí sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện mối quan hệ song phương vốn rơi vào căng thẳng trong suốt hơn một năm qua.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (phải) gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại thành phố Goslar (Đức). Ảnh: AFP/TTXVN

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Gabriel đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, bao gồm vai trò của những người lao động Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tái thiết nước Đức sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, lòng hiếu khách của Ankara khi tiếp nhận người tị nạn Đức trong thời kỳ phát xít, cũng như những đóng góp của 3 triệu người gốc Thổ hiện sinh sống tại Đức. Ông khẳng định hai bên đã nhất trí sẽ "làm mọi điều có thể" để khắc phục và giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong quan hệ Đức - Thổ, cũng như tìm kiếm những điểm chung trong tương lai.

Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết hai bên đều tin tưởng có thể giải quyết những căng thẳng leo thang gần đây thông qua đối thoại. Ông cũng nhấn mạnh hai bên cần gác lại những bất đồng và tập trung vào những vấn đề mang lại lợi ích song phương. Trước đó, phát biểu trước thềm cuộc gặp, ông Cavusoglu cho rằng đã đến lúc khởi động lại mối quan hệ với Đức, nhấn mạnh điều này chỉ có thể xảy ra nếu hai nước "phá vỡ thế khủng hoảng hiện nay trong mối quan hệ song phương".

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong NATO. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara". Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và EU về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.


Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ giữa hai bên đã có những tín hiệu tích cực. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho một số công dân Đức bị bắt giữ theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính quyền nước này ban bố sau khi đập tan cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016. Cuối tháng 12/2017, Tổng thống Erdogan cũng đã bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ với Đức và EU sau những căng thẳng trong quan hệ song phương.

TTXVN/Báo Tin tức
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sang trang quan hệ với Đức
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sang trang quan hệ với Đức

Ngày 5/1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng đã đến lúc khởi động lại mối quan hệ với Đức. Nhận định trên được đưa ra trước thềm cuộc gặp của ông Cavusoglu với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel sau hơn một năm quan hệ giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN