Đức siết chặt biện pháp kiểm soát dịch COVID-19

Nước Đức đang soạn thảo một dự luật gồm nhiều biện pháp, trong đó có yêu cầu người lao động làm việc tại nhà trong nỗ lực khống chế làn sóng dịch COVID-19 mạnh nhất từ đầu dịch đến nay. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo dự luật mới, các chủ lao động tại Đức buộc phải có phương án làm việc tại nhà cho nhân viên. Trong trường hợp phải đến công sở làm việc, nhân viên phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Số ca tử vong và số ca mắc tại Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu- tăng mạnh kể từ giữa tháng tháng 10 vừa qua, mà nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, chỉ hơn 67%, khiến nhiều người trong nhóm dễ bị tổn thương mắc bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng có kế hoạch áp đặt quy tắc “2G plus”, tức là những người đã tiêm vaccine hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19, muốn đến một số sự kiện nhất định bắt buộc phải xét nghiệm PCR trước khi tham gia, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm ở những đối tượng này.

Dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện Đức, vào ngày 18/11 trước khi trình lên Thượng viện để thông qua một ngày sau đó. 

Thống kê của Viện Robert Koch (RKI) ngày 14/11 cho thấy cứ mỗi 100.000 người dân Đức thì có 289 ca mắc, mức cao mới mà quốc gia đông dân nhất châu Âu này ghi nhận được.

Ông Michael Kretschmer, Thủ hiến bang Saxony - một trong số bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhận định làn sóng dịch hiện nay tại Đức đã lấn át các đợt dịch trước đó.

* Tại Peru, kể từ tháng 12 tới, những người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên buộc phải trình chứng nhận tiêm vaccine khi đến các điểm công cộng trong không gian kín. Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới. Cụ thể, những đối tượng trên buộc phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine để đến các nhà hàng , trung tâm thương mại, phòng tập gym và rạp hát. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang vẫn bắt buộc trong không gian kín. 

Cho tới nay, 16,4 triệu người tại Peru, tương đương 59% dân số từ 12 tuổi trở lên, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3/2020, quốc gia 33 triệu dân này đã ghi  nhận 2,2 triệu ca mắc COVID-19 và 200.600 ca tử vong. 

Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 14/11, Chính phủ Nepal đã bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân dưới 18 tuổi. Ông Sagar Dahal, người đứng đầu Chương trình tiêm chủng quốc gia thuộc Bộ Y tế và dân số Nepal, cho hay nước này sử dụng vaccine của hãng Pfizer để tiêm cho nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, những đối tượng có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim mạch hay tiểu đường sẽ được tiêm vaccine của Pfizer trong giai đoạn tiêm đầu tiên. 

Nepal đã tiếp nhận 100.640 liều vaccine của Pfizer hồi tháng trước theo cơ chế COVAX và nước này có kế hoạch sử dụng số vaccine sẵn có để tiêm cho 40.000-45.000 người trong vòng 1 tháng. Theo Bộ Y tế Nepal, việc tiêm chủng cho đối tượng dưới 18 tuổi sẽ được triển khai tại 24 bệnh viện trên cả nước và kéo dài đến ngày 20/11. 

* Bộ Y tế Ai Cập cho biết đã thành lập nhiều điểm tiêm chủng mới tại các nhà ga tàu điện ngầm ở thủ đô Cairo và nhiều tỉnh khác nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêm vaccine và giảm áp lực đối với các trung tâm y tế. Theo Bộ trưởng Giao thông Ai Cập Abdel-Ghaffar, các điểm tiêm chủng mới sẽ được thiết lập tại tất cả nhà ga tàu điện ngầm ở Cairo cũng như nhà ga tàu hỏa tại các tỉnh như Giza, Minya, Qena và  Alexandria. Ngoài ra, chính phủ cũng có kế hoạch mở thêm điểm tiêm chủng tại một số trung tâm thương mại và các chợ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cairo, Ai Cập, ngày 14/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện Ai Cập đã cấp phép sử dụng vaccine của nhiều hãng như Sinopharm, Sinovac, AstraZeneca, Sputnik và Johnson & Johnson. Bên cạnh đó, hãng sản xuất vaccine VACSERA của Ai Cập đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty dược Sinovac của Trung Quốc để cùng sản xuất vaccine phòng COVID-19 của hãng này tại Ai Cập.

Cho đến nay, Ai Cập đã tiêm chủng cho khoảng 24 triệu người trong số 100 triệu dân và có kế hoạch tiêm chủng cho 40 triệu người đến cuối năm 2021.

Thanh Hương   (TTXVN)
Ai Cập thử nghiệm vaccine nội địa ngừa COVID-19
Ai Cập thử nghiệm vaccine nội địa ngừa COVID-19

Cơ quan Dược phẩm Ai Cập (EDA) ngày 14/11 thông báo chính thức thử nghiệm lâm sàng vaccine COVI-VAX, đánh dấu loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do Ai Cập tự sản xuất nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN