Đức bác bỏ đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ đóng băng tài sản của những người theo Giáo sĩ Gulen

Ngày 2/9, Tạp chí Spiegel của Đức đưa tin Berlin đã bác bỏ một đề nghị chính thức từ phía Thổ Nhĩ Kỳ về đóng băng tài sản của các thành viên thuộc mạng lưới của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Theo tạp chí trên, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 4 đã đề nghị Bộ Ngoại giao Đức đóng băng tài sản của tổ chức Gulen và những thành viên thuộc tổ chức này tại Đức, gắn kèm một danh sách gồm 80 cái tên. Tuy nhiên, phía Đức đã bác bỏ đề nghị này và nói rằng không có cơ sở pháp  lý nào để tổ chức giám sát tài chính BaFin của Đức trừng phạt phong trào Gulen và những người ủng hộ. Hiện Bộ Ngoại giao Đức từ chối bình luận về vấn đề này.

Giới phân tích nhận định việc Đức bác bỏ đề nghị nêu trên của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa 2 đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên xấu hơn sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/9 tuyên bố Đức nên phản ứng dứt khoát với việc Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ thêm 2 công dân Đức vì những lý do chính trị.

Tuy chính quyền Ankara chưa đưa ra thông báo chính thức nào về vụ bắt giữ 2 công dân Đức mới nhất, song vụ việc này đã được cảnh sát sân bay quốc tế Antatya ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi xảy ra vụ bắt giữ, xác nhận. Trong khi đó,  hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin về vụ bắt giữ, đồng thời nêu rõ đây là một cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài 12 tù nhân nêu trên, hiện còn có 43 công dân Đức khác bị bắt và giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do khác nhau.

 Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong NATO. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách nước này xử lý sau vụ đảo chính hồi năm ngoái. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi cả hai bên liên tục công kích nhau liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới. 

Ngày 18/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí đã kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, hay đảng Xanh, do đây là "kẻ thù của Ankara".

Thủ tướng Merkel cùng nhiều quan chức trong Chính phủ Đức đã chỉ trích hành động của Tổng thống Erdogan là vô lý, đồng thời nhấn mạnh rằng không ai có quyền can thiệp công việc nội bộ của nước Đức. Nhiều chính trị gia ở Đức đã kêu gọi chính phủ nước này sớm ban hành cảnh báo hạn chế đi lại đối với người dân Đức có ý định tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại có khoảng 3 triệu công dân Đức có gốc gác từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sinh sống tại Đức.

(TTXVN)
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng leo thang trong quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo nước này có thể sẽ xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau một loạt động thái gần đây của Ankara.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN