Dự báo những thay đổi trong nội các Mỹ

Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhanh chóng trở lại với công việc, đối mặt với những khó khăn mới tại Quốc hội và phải thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là "thay máu" nội các.


Trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, Tổng thống Obama được cho là sẽ mất đi những bộ trưởng quan trọng như Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner. Tổng thống cũng có khả năng sẽ thay đổi một số cố vấn cấp cao trong đội ngũ nhân viên của ông tại Nhà Trắng - những người đã kiệt sức sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính kéo dài 4 năm qua và dự đoán vẫn còn tiếp tục, trong khi một số cố vấn sẽ chuyển sang giữ các vị trí khác trong chính quyền.


Những đồn đoán bắt đầu lan nhanh về việc ai sẽ thay bà Clinton sau khi bà nhiều lần tuyên bố muốn nghỉ ngơi và dành thời gian cho cuộc sống riêng sau nhiều thập kỷ là tâm điểm được công chúng quan tâm. Ngày 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận bà Clinton sẽ rời cương vị ngoại trưởng sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2013 tới.


Nếu được chọn, bà Susan Rice sẽ trở thành phụ nữ gốc Phi thứ hai giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh AFP/TTXVN.


Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice, nhân vật gần gũi với ông Obama trong nhiều năm qua, là một trong những cái tên có khả năng kế nhiệm bà Clinton, nhưng danh tiếng của bà Rice có thể đã bị ảnh hưởng do vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, miền Đông Libi.


Nếu được chọn, bà Rice sẽ trở thành phụ nữ gốc Phi thứ hai giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, sau bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Một ứng cử viên khác có thể được chọn giữ chức vụ ngoại trưởng Mỹ là ông John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Danh tiếng của Thượng nghị sĩ Kerry tăng lên sau khi ông đóng thế ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney trong những buổi tập luyện tranh luận của Tổng thống Obama.


Tuy nhiên, nếu ông Kerry được chọn làm ngoại trưởng, ông sẽ phải từ bỏ vị trí của mình tại Thượng viện, và điều này dẫn tới lo ngại rằng đảng Dân chủ có thể mất một ghế quan trọng tại Thượng viện.


Các nguồn tin Nhà Trắng cho biết thời gian biểu đã được lên kế hoạch cho việc điều chỉnh thành phần nội các hiện nay. Hai ông Geithner và Panetta, hai gương mặt chủ chốt trong cuộc tranh cãi với đảng Cộng hòa xung quanh vấn đề thuế và cắt giảm ngân sách hiện nay, có thể sẽ không rời chức vụ của họ trước khi vấn đề "vách đá tài chính" được giải quyết.


Một số người trong cuộc dự đoán Chánh Văn phòng Nhà Trắng Jacob Lew -một chuyên gia về ngân sách- có khả năng trở thành người kế nhiệm ông Geithner. Trong khi đó, nhiều người cho rằng Tổng thống Obama sẽ chọn một nhân vật có nhiều thành tích trong lĩnh vực thương mại để cải thiện vị trí đang bị lung lay của ông trong giới doanh nghiệp.


Ông Panetta - người mới tiếp quản chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng hồi năm 2011, được cho là sẽ không tiếp tục giữ cương vị này đến hết nhiệm kỳ 4 năm tới. Nhiều khả năng ông sẽ giữ chức vụ cho tới khi việc cắt giảm chi tiêu ngân sách của Lầu Năm Góc được hoàn thành. Người kế nhiệm tiềm năng của ông là bà Michele Flournoy - nhân vật từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách trong đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama. Nếu được bổ nhiệm vào vị trí này, bà Flournoy sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Lầu Năm Góc. Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng Thứ trưởng Quốc phòng hiện nay là ông Ashton Carter cũng có thể được chọn kế nhiệm ông Panetta.


Hiện chưa rõ liệu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder -một nhân vật gần gũi với Tổng thống Obama- có tiếp tục tại nhiệm hay không. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Arne Ducan được cho là sẽ tiếp tục tại nhiệm để đảm bảo rằng chương trình cải cách giáo dục của ông Obama được Quốc hội thông qua.


Chương trình cải cách này được dự báo sẽ là điểm sáng trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ 2 của ông Obama.



TTXVN/Tin tức

'Obama là người có khả năng nhất đối phó với thách thức'
'Obama là người có khả năng nhất đối phó với thách thức'

Ngay sau khi Tổng thống Barack Obama, tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, M. Laurent Fabius, ngày 7/11, đã trả lời phỏng vấn kênh truyển hình Pháp France 2, nêu rõ những trông chờ của Pháp đối với chính quyền của vị Tổng thống tái đắc cử này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN