Dow Jones vượt ngưỡng 13.000 điểm

 Mở cửa trở lại sau ngày nghỉ lễ, Phố Wall đã chứng kiến một phiên giao dịch trồi sụt thất thường vào ngày 21/2, khi mà c hỉ số Dow Jones danh giá nhất của 30 tập đoàn kinh doanh Mỹ đã lần đầu tiên trong 4 năm qua vượt ngưỡng 13.000 điểm nhờ kết quả tích cực của cuộc họp các bộ trưởng tài chính châu Âu, song lại không thể chốt ở mức cao này, do số liệu kinh doanh đáng thất vọng của tập đoàn bán lẻ Wal-Mart và giá nhiên liệu tăng mạnh.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 15,82 điểm, tương đương 0,12%, đóng cửa ở mức 12.965,69 điểm, sau khi có lúc “vọt” lên 13.001 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3/2008 , hệ quả tích cực từ việc các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) vừa nhất trí phê duyệt gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro cho Hy Lạp. Dow Jones từng đạt đỉnh cao 14.164,53 điểm vào tháng 10/2007, nhưng đến mùa Hè năm 2011, chỉ số này có lúc giảm sâu xuống mức 10.655 điểm. Cũng trong phiên này, chỉ số S&P 500 chỉ “nhích” nhẹ 0,98 điểm (0,07%), lên 1.362,21 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại giảm 3,21 điểm (0,11%), xuống còn 2.948,57 điểm.


 

Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Niu Oóc. Ảnh:  AFP/TTXVN.



Tuy nhiên, đà tăng của chứng khoán Mỹ lại bị hạn chế bởi hoạt động bán tháo của giới đầu tư, sau khi tập đoàn bán lẻ danh tiếng nước này là Wal-Mart công bố mức lợi nhuận thấp hơn dự kiến trong quý IV/2011 do đợt giảm mạnh giá bán sản phẩm vào đợt Giáng Sinh vừa qua. Thông tin này đã khiến giá cổ phiếu của Wal-Mart giảm tới 3,9%, tác động xấu tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, giới kinh doanh còn liên tục bán tháo cổ phiếu khi giá dầu liên tục xác lập các mức cao mới, do những lo ngại về nguồn cung dầu của Iran .

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại đảo chiều đi xuống sau phiên giao dịch sôi động hôm trước, do xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Hy Lạp còn phải mất rất lâu nữa mới có thể phục hồi, ngay cả khi đã nhận được gói giải cứu từ châu Âu. Kết thúc phiên giao dịch 21/2, tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,29% xuống còn 5.928,20 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng mất 0,21%, còn 3.465,24 điểm. Trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng giảm 0,58%, đóng cửa ở mức 6.908,18 điểm.

Sang đầu phiên giao dịch ngày 22/2, các thị trường chứng khoán châu Á cũng biến động trái chiều sau khi chứng kiến ngày giao dịch thất thường của Phố Wall. Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 3,28 điểm, tương đương 0,03%, xuống còn 9.459,74 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hồng Công cũng lên xuống bất nhất, khi chỉ số Shanghai Composite “nhích” nhẹ 2,33 điểm (0,10%), lên 2.383,76 điểm, thì chỉ số Hang Seng lại mất tới 148,85 điểm (0,69%), xuống còn 21.329,87 điểm.

TTXVN/ Tin Tức
Phố Wall khởi đầu năm 2012 với “sắc xanh”
Phố Wall khởi đầu năm 2012 với “sắc xanh”

Phố Wall mở cửa năm mới 2012 trong không khí vô cùng phấn khởi vào phiên giao dịch 3/1, khi các chỉ số chứng khoán đều ghi nhận các mức tăng ấn tượng, nhờ một loạt các số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN