Đột phá mới trên chính trường Iraq

Việc Quốc hội Iraq bầu ra Tổng thống và hướng tới thành lập chính phủ mới là bước quan trọng nhằm kết thúc giai đoạn bất ổn chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Chú thích ảnh
Tổng thống mới của Ira Abdul Latif Rashid. Ảnh: Aa.com.tr

Theo energyintel.com, Quốc hội Iraq mới đây đã bầu ông Abdul Latif Rashid, chính trị gia người Kurd làm tổng thống và ông này đã đề nghị Mohammed al-Sudani, ứng cử viên của liên minh do Iran hậu thuẫn cho cương vị thủ tướng để thành lập chính phủ.

Điều này đánh dấu một bước đột phá ở Iraq, vốn luôn rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kể từ khi các cuộc bầu cử được tổ chức cách đây một năm. Ông Al-Sudani sẽ phải lựa chọn các thành viên Nội các trong vòng 30 ngày có thể giành được sự chấp thuận của Quốc hội.

Điều này được cho là một thắng lợi đối với các đảng dòng Shiite do Iran hậu thuẫn dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki. 

Sự kiện trên cũng giúp cho các hoạt động ở Iraq trở lại hoạt động sau một năm đình trệ, đặc biệt liên quan đến việc chính phủ lâm thời không thể ký kết các dự án mới, trong đó có thỏa thuận năng lượng với tập đoàn TotalEnergies.

Tổng giám đốc của TotalEnergies Patrick Pouyanne cho biết vào tuần trước rằng ông mong đợi các hợp đồng sẽ được hoàn tất và công việc sẽ bắt đầu sau khi một chính phủ mới được thành lập. Việc thành lập một chính phủ mới cũng sẽ dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án ưu tiên cao khác, đặc biệt là việc phát triển các nguồn khí đốt của Iraq.

Trong những tháng gần đây, Iraq đã trải qua một cuộc biến động làm bộc lộ những rạn nứt sâu sắc trong giới tinh hoa cầm quyền, đặc biệt là giữa giáo sĩ Moqtada al-Sadr và các đảng dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, gây ra các cuộc biểu tình quần chúng.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, đảng của ông al-Sadr giành được nhiều ghế nhất với 73/329 ghế tại Quốc hội. Tuy nhiên, ông al-Sadr đã rút tất cả các nghị sĩ của mình khỏi Quốc hội hồi tháng 6 sau khi thất bại trong việc thành lập chính phủ. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại Quốc hội để bầu tổng thống mới.

Tháng 8 vừa qua, sau khi ông al-Sadr tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường, những người ủng hộ giáo sĩ này đã biểu tình, xông vào Vùng Xanh, nơi có nhiều tòa nhà chính phủ và cơ quan ngoại giao. Cuộc xung đột giữa những nhóm Hồi giáo dòng Shiite đối nghịch đẩy thủ đô Baghdad rơi vào hỗn loạn.

Đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Iraq kể từ khi cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyển của Tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003 và đánh dấu khoảng thời gian dài nhất đất nước không có chính phủ kể từ cuộc bầu cử đầu tiên do Mỹ hậu thuẫn năm 2005.

Công Thuận/Báo Tin tức
Vùng Xanh ở Iraq bị tấn công bằng rocket
Vùng Xanh ở Iraq bị tấn công bằng rocket

Quân đội Iraq cho biết 9 quả rocket đã rơi vào khu vực xung quanh Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad trong ngày 13/10, ngay trước khi Quốc hội nước này bắt đầu phiên họp để bầu ra tổng thống mới trong bối cảnh bế tắc chính trị kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN