Động thái của Azerbaijan ở Nagorny-Karabakh có thể gây xung đột toàn diện với Armenia

Chiến dịch quân sự mà Azerbaijan thực hiện tại Nagorny-Karabakh ngày 19/9 làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể vướng vào cuộc xung đột toàn diện với Armenia, khi hai quốc gia đã từng xảy ra xung đột cách đây chưa đầy ba năm khiến trên 6.000 người chết.

Chú thích ảnh
Vụ nổ tại khu vực mà Azerbaijan cho là vị trí của lực lượng Armenia tại Nagorny-Karabakh. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, ngày 19/9, Azerbaijan đã thực hiện chiến dịch quân sự ở Nagorny-Karabakh vài giờ sau khi xảy ra vụ việc khiến 4 binh sĩ và 2 thường dân thiệt mạng. Azerbaijan cho rằng những kẻ phá hoại người Armenia đã gài mìn.

Chiến dịch đã khiến một số người chết và bị thương. Lực lượng Nga tại đây đã phải sơ tán gần 500 dân thường.

Ông Thomas de Waal, chuyên gia của tổ chức Carnegie châu Âu, cho biết: “Thật không may, có vẻ như đây sẽ là cuộc giao tranh khủng khiếp thứ ba - điều mà mọi người lo sợ nhưng hy vọng tránh được bằng biện pháp ngoại giao trong vài tuần và tháng qua”.

Khu vực Nagorny-Karabakh có dân số khoảng 120.000 người, là một vùng có nhiều người Armenia sinh sống. Khu vực này và các vùng lãnh thổ rộng lớn xung quanh do các lực lượng người Armenia được quân đội Armenia hậu thuẫn kiểm soát từ cuối cuộc chiến tranh ly khai năm 1994. Azerbaijan đã giành lại các vùng lãnh thổ và một phần của Nagorny-Karabakh trong cuộc giao tranh năm 2020.

Cuộc giao tranh này kết thúc bằng thỏa thuận triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực, nhưng căng thẳng đã tăng vọt kể từ tháng 12/2022 khi Azerbaijan bắt đầu chặn Hành lang Lachin - con đường nối Nagorny-Karabakh với Armenia.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được giao nhiệm vụ đảm bảo rằng con đường này sẽ vẫn thông thoáng. Nhưng Hành lang Lachin hầu như đã bị chặn kể từ tháng 12/2022 do Azerbaijan cáo buộc rằng người Armenia buôn lậu vũ khí và tiến hành khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Điều đó gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, dẫn đến việc giới chức ở Nagorny-Karabakh và Armenia cáo buộc rằng Azerbaijan có mục đích diệt chủng bằng nạn đói.

Sau nhiều tháng tranh cãi và đàm phán, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế đã sắp xếp một chuyến hàng khoảng 20 tấn bột mì đến Nagorny-Karabakh trong tuần này từ Armenia cũng như vật tư y tế qua một con đường khác dẫn từ lãnh thổ do Azerbaijan kiểm soát.

Các quan chức Nagorny-Karabakh trước đây đã phản đối chuyển viện trợ theo con đường thứ hai, nói rằng đây là một chiến lược để Azerbaijan kiểm soát khu vực này.

Tình hình dường như có thể giảm căng thẳng từ từ, nhưng thông tin về thương vong do mìn quân sự nói trên đã làm gia tăng căng thẳng và Azerbaijan sau đó đã tiến hành chiến dịch pháo kích.

Theo hãng tin Reuters, không rõ liệu chiến dịch quân sự của Azerbaijan có gây ra xung đột toàn diện kéo dài ở Armenia hay không, nhưng đã có những dấu hiệu bất ổn chính trị ở Yerevan - nơi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã nói về những lời kêu gọi đảo chính lật đổ ông.

Một số người Armenia đã tập trung tại Yerevan để yêu cầu chính phủ hành động trong bối cảnh có thông tin về các cuộc đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và đám đông khiến cả hai bên bị thương.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Phản ứng của Nga, Mỹ và châu Âu về căng thẳng leo thang giữa Azerbaijan và Armenia
Phản ứng của Nga, Mỹ và châu Âu về căng thẳng leo thang giữa Azerbaijan và Armenia

Việc Azerbaijan phát động cuộc tấn công ở Nagorny - Karabakh khiến căng thẳng với Armenia bất ngờ leo thang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN