Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Công tác tái thiết tại Syria gặp nhiều khó khăn

Trong bối cảnh công tác cứu trợ và tái thiết sau động đất còn đang gặp nhiều khó khăn, hãng thông tấn Syria (SANA) cho biết nguy cơ tiếp tục động đất vẫn hiện hữu tại nước này sau khi thảm họa động đất ngày 6/2 đã đẩy nền kinh tế vốn đang kiệt quệ do xung đột chìm sâu hơn vào khủng hoảng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện trong nước. Trong khi đó, cùng ngày 27/2, tại miền Đông nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất có độ lớn 5,5 xảy ra đã khiến 1 người chết và 69 người bị thương.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau thảm họa động đất tại làng Atarib, tỉnh Aleppo, Syria, ngày 14/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, quy mô nền kinh tế Syria đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột bùng phát tại nước này cách đây gần 12 năm, với lạm phát leo thang, đồng nội tệ mất giá và tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng trầm trọng. Hơn một thập niên xung đột đã khiến Syria hoàn toàn không có sự chuẩn bị để ứng phó với thảm họa thiên tai. Ba tuần sau trận động đất có độ lớn 7,8, các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và viện trợ nhân đạo tại khu vực Tây Bắc nước này đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu mới nhất, trận động đất hôm 6/2 đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người và khiến hàng nghìn người bị thương tại Tây Bắc Syria, bao gồm các tỉnh Aleppo, Hama, Idlib và Lattakia. Gần 1.800 tòa nhà bị sập đổ và nhiều cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống nước và mạng lưới điện bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều người được cho là vẫn còn mắc kẹt trong các đống đổ nát, trong khi hàng trăm nghìn người không có nơi trú ẩn an toàn trong điều kiện thời tiết lạnh giá.

Tình hình nhân đạo vốn đã tồi tệ ở Tây Bắc Syria, nơi phe đối lập kiểm soát, đã leo thang thành thảm họa nhân đạo toàn diện. Các hoạt động viện trợ và tìm kiếm, cứu nạn tại đây sau trận động đất vẫn còn hạn chế. Hiện đã có 3 cửa khẩu biên giới được mở để Syria tiếp nhận hàng viện trợ từ bên ngoài. Từ ngày 9/2 đến nay, đã có hơn 280 chuyến xe di chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, con số này vẫn rất khiêm tốn để có thể ứng phó với khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Các vùng bị ảnh hưởng hiện đang rất cần hàng viện trợ, đặc biệt là quần áo, lều bạt, chăn ấm, lương thực, nước uống, bệnh viện dã chiến, thiết bị y tế, thuốc men và trang thiết bị máy móc để tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Arab, đang đặc biệt quan tâm đến các vùng bị ảnh hưởng ở Tây Bắc Syria. LHQ thông báo sẽ tăng cường vận chuyển hàng viện trợ tới khu vực này trong vài ngày tới nhằm hỗ trợ cho hàng triệu người chịu ảnh hưởng. LHQ hy vọng trong thời gian tới sẽ có 40 chuyến xe mỗi ngày chở hàng viện trợ tới Tây Bắc Syria. Trong khi đó, EU thông báo tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Syria nhằm đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng viện trợ tới quốc gia Trung Đông này. Các quốc gia Arab như Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã điều máy bay quân sự và tàu hải quân chở hàng viện trợ tới Syria.

Việc ổn định cuộc sống cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng và tái thiết cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế ở Syria đang khiến cho quá trình phục hồi sau động đất ở nước này trở nên khó khăn hơn nhiều. Các nỗ lực cứu trợ, tái thiết, xây dựng lại nhà cửa và ổn định cuộc sống cho người dân sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, vì Tây Bắc Syria hiện vẫn do các lực lượng đối lập kiểm soát.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Ngoại trưởng Ai Cập thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Syria lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ
Ngoại trưởng Ai Cập thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Syria lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 27/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN