Đồng bảng Anh bị "nhiễm độc" trước nguy cơ "Brexit cứng"

Tại phiên giao dịch sáng ngày 11/10, đồng bảng Anh tiếp tục giảm xuống 1,23 USD/bảng trước thông tin kinh tế Anh mất đi 66 tỷ bảng mỗi năm khi rời khỏi thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU).

Đồng bảng Anh tại một địa điểm trao đổi ngoại tệ ở Kuwait City, Kuwait. Ảnh: AFP/TTXVN

Con số trên được trích dẫn từ báo cáo nghiên cứu đánh giá những tác động kinh tế nếu Vương quốc Anh rời EU do Bộ trưởng Tài chính Anh khi đó là George Osborne chủ trì biên soạn hồi tháng 4/2016, tờ Times cho biết.

Theo đó, nếu Anh rời EU và chuyển sang tuân theo những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, GDP của Anh có nguy cơ giảm từ 5,4-9,5%.

Kit Juckes, chuyên gia về tiền tệ của Societe Generale bày tỏ lo ngại rằng tình trạng yếu kém của đồng bảng có thể sẽ lan sang các tài sản khác như trái phiếu chính phủ và các cổ phiếu.

Trên thực tế, đồng bảng đã giảm 10% so với năm 1992 sau khi Anh rời khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu và hiện còn thấp hơn thời điểm xảy ra vụ phá sản của Lehman Brothers.

Đồng bảng Anh trong suốt tuần qua chịu nhiều sức ép sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ám chỉ sẽ chọn giải pháp "Brexit cứng", hy sinh quyền lợi ở thị trường chung và ưu tiên hơn cho việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư tại Đại hội đảng Bảo thủ.

Kathleen Brooks, giám đốc nghiên cứu của City Index cho biết bà lo ngại câu chuyện chính trị về "Brexit cứng" đã làm đồng bảng bị "nhiễm độc" vì các nhà đầu cơ phản ứng trước thông tin trên.

Nhận định về tương lai của đồng bảng, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, trong phân tích dự đoán ba tháng, cho rằng đồng bảng Anh sẽ xuống đến mức 1,20 USD/bảng, trong khi Rabobank cho rằng đồng bảng sẽ còn hạ tiếp xuống 1,18 USD/bảng vào giữa năm 2017.

Còn HSBC dự đoán đồng bảng sẽ giảm xuống mức 1,10 USD/bảng, và gần như ngang với đồng euro vào cuối năm 2017.

Diễm Quỳnh (P/v TTXVN tại Anh)
Brexit và cơ hội “xoay trục” của Séc
Brexit và cơ hội “xoay trục” của Séc

Báo “Lidove noviny” (Séc) đã đăng bài viết của chuyên gia phân tích tình hình quốc tế Roman Joch xung quanh chính sách đối ngoại của CH Séc thời kỳ hậu Brexit, cho rằng Séc cần chú trọng tới trục Bắc-Nam chứ không chỉ Đông-Tây như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN