Đông Bắc Á vẫn cần có nhau

Những động thái liên tiếp có thể nói là diễn biến rất nhanh chóng trong tuần qua liên quan đến vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh hải đang đẩy mối quan hệ giữa ba nước Trung - Nhật – Hàn ở khu vực Đông Bắc Á trở nên căng thẳng hơn và có nguy cơ rạn vỡ. Thậm chí cũng không loại trừ các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc có thể dẫn tới đụng độ giữa các bên.


Tuy nhiên, căng thẳng hiện nay được cho là tạm thời và sẽ sớm hạ nhiệt, bởi cả 3 nước thực tế đều rất “cần có nhau” khi đang cùng nỗ lực xây dựng một “tam giác thương mại” mới. Hơn nữa, 3 nước đang trong thời điểm chuẩn bị cho sự thay đổi lãnh đạo, nên thực sự cần những “cái đầu lạnh”, và Oasinhtơn dường như không muốn hai đồng minh chủ chốt của mình là Nhật Bản và Hàn Quốc “đấu đá” để rồi ảnh hưởng tới chiến lược trở lại châu Á của Mỹ.


Sức mạnh kinh tế


Tuần này, quan chức Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có cuộc gặp tại thành phố Thanh Đảo (miền bắc Trung Quốc) để thảo luận về Hiệp định tự do thương mại (FTA) ba bên. Các bên đều nhất trí xúc tiến các công việc chuẩn bị cần thiết để có thể bắt đầu tiến hành đàm phán về FTA trước cuối năm nay như đã được lãnh đạo 3 nước nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh tháng 5 vừa qua ở Bắc Kinh nhằm tạo một “tam giác thương mại tự do” mà họ cho là sẽ giúp cả ba chống đỡ được tác động từ các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.


Lãnh đạo 3 nước Đông Bắc Á hiện nay. (Từ trái qua phải) Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Ảnh: Internet


Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chiếm 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 1/2 tổng dự trữ ngoại hối của thế giới, 17,5% thương mại toàn cầu và 22% dân số thế giới. Từ khi tiến trình hợp tác ba bên được khởi xướng năm 1999, hợp tác giữa ba nước này bắt đầu tăng mạnh, trong đó kim ngạch thương mại ba bên đã tăng gấp 5 lần từ 130 tỷ USD trong năm 1999 lên gần 700 tỷ USD vào năm 2011. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong nhiều năm, trong khi hai nước này luôn đóng vai trò là đối tác thương mại lớn và là nguồn lực đầu tư lớn vào Trung Quốc.


Việc thành lập một “tam giác thương mại tự do” có thể nâng GDP của Trung Quốc thêm 2,9%; của Nhật Bản thêm 0,5% và của Hàn Quốc thêm 3,1%, hay như nhận xét của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo rằng: "Đông Bắc Á là khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới. Việc ký kết FTA sẽ tạo ra sinh lực kinh tế mới cho khu vực và thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập kinh tế ở Đông Á".


Những con số nói trên quả là rất hấp dẫn trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay và mối quan hệ kinh tế bền chặt giữa những “con rồng, con hổ” châu Á này sẽ giúp khống chế những căng thẳng trong tầm kiểm soát.


Thời điểm chính trị quan trọng


Cả 3 quốc gia ở Đông Bắc Á đều đang bước vào giai đoạn chính trị quan trọng. Tháng 11 tới, Trung Quốc bắt đầu cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm. Tiếp đó, tháng 12/2012, “xứ sở Kim chi” sẽ tổ chức cuộc bầu tổng thống. Trong khi đó, đất nước “Mặt Trời mọc” cũng đang rơi vào giai đoạn bất ổn chính trị với khả năng Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ phải từ nhiệm trong vài tháng tới. Lý do căng thẳng leo thang ở Đông Bắc Á liên quan đến những tranh chấp chủ quyền được không ít ý kiến cho rằng là nhằm giảm áp lực hay “đánh lạc hướng” từ những bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế trong nước.


Nhật Bản và Hàn Quốc tranh chấp quần đảo Takeshima theo cách gọi của Tôkyô và Dokdo theo cách gọi của Xơun nằm giữa vùng biển hai nước. Trong khi đó, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với chuỗi đảo không người ở mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tôkyô gọi là Senkaku nằm ở phía đông Trung Quốc và tây nam của tỉnh cực nam Nhật Bản Okinawa.

Trở lại sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm quần đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima hôm 10/8. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc một tổng thống tới quần đảo này. Đối với hơn 50 triệu người dân của đất nước nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên này, quần đảo Dokdo rất được quan tâm và xuất phát từ tâm lý chống Nhật đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước.


Trước cuộc bầu cử tổng thống cận kề, dù Tổng thống Lee Myung-bal không tranh cử nữa, nhưng ông phải củng cố uy tín cho đảng bảo thủ của mình, vốn đang gặp rất nhiều bê bối, để đảng này tiếp tục lãnh đạo Hàn Quốc. Động thái của ông đã khiến quan hệ Nhật - Hàn rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà phân tích, vị tổng thống mới của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử tháng 12 tới có thể sẽ lại tìm cách tái khởi động quan hệ với Nhật Bản.

Bản đồ mô tả vị trí các đảo tranh chấp giữa các nước ở Đông Bắc Á. Nguồn: Debito.org


Ngoài việc khó có nguy cơ nổ ra cuộc hải chiến giữa Nhật Bản với Hàn Quốc hay với Trung Quốc do cả ba còn phải bận bịu với vấn đề chuyển giao quyền lực trong nước, giới quan sát còn cho rằng ba nhà lãnh đạo đương nhiệm, vốn đang chịu nhiều tác động từ dư luận trong nước, cần có trách nhiệm không để tình hình hiện nay xấu hơn và ảnh hưởng đến quan hệ song phương, dù có thể nói là rất khó để các bên nhượng bộ lẫn nhau.


Những “lời qua tiếng lại” về vụ các lực lượng Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Hồng Công (Trung Quốc), trong đó có 7 người đã đặt chân lên quần đảo Senkaku/Điế Ngư dường như chỉ nhằm tái khẳng định quan điểm cứng rắn của họ về chủ quyền đối với khu vực được xem là một ngư trường đánh cá lớn và có trữ lượng khoáng sản giá trị này. Còn trong thâm tâm, cả hai bên đều nóng lòng muốn vụ này chìm xuống càng nhanh càng tốt nhằm tránh lặp lại tình trạng đối đầu năm 2010 khi Nhật Bản bắt giam một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc gần chuỗi đảo hoang này. Bằng chứng là Tôkyô đã nhanh chóng trục xuất toàn bộ 14 người nói trên.


Yếu tố Oasinhtơn


Trong chiến lược chuyển trọng tâm quân sự sang khu vực châu Á -Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi Mỹ đang đồn trú tới 75.000 quân, là hai đồng minh rất quan trọng. Từ trước tới nay, Oasinhtơn luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn giữa Tôkyô và Xơun, và không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp Dokdo/Takeshima. Hẳn người Mỹ cũng hiểu rằng căng thẳng giữa hai nước sẽ không có lợi cho chiến lược của họ ở châu Á nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.


Thời gian qua, Mỹ đã cố gắng dàn xếp để lôi kéo hai nước tham gia “vòng cung” bao quanh Trung Quốc trải dài từ Ôxtrâylia đến Ấn Độ và đương nhiên “chú Sam” không muốn công sức của mình thành công dã tràng.


Cách đây vài tháng, giới chức Mỹ còn hy vọng hai nước đồng minh của mình ở châu Á sẽ cùng nhau bước sang thời kỳ mới và ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn khi Nhật Bản và Hàn Quốc chuẩn bị ký kết một thỏa thuận lịch sử về chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm, hiệp ước quân sự đầu tiên giữa hai nước kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II năm 1945. Thế nhưng, vào phút chót, việc ký kết lại bị hoãn vô thời hạn và trở thành bài học đắt giá đối với Mỹ. Thỏa thuận này nếu được ký sẽ cho phép hai nước chia sẻ thông tin về quân đội Triều Tiên và Trung Quốc, hỗ trợ Mỹ trong kế hoạch phát triển “lá chắn tên lửa” ở Đông Bắc Á.


Nhà nghiên cứu kỳ cựu Bruce Klingner của Quỹ Heritage, một trung tâm tư vấn theo đường lối bảo thủ ở Mỹ, cho rằng Mỹ nên giữ thái độ trung lập, nhưng phải tìm cách khuyến khích hợp tác ba bên (Mỹ - Nhật - Hàn), trong đó có thể tăng cường các cuộc tập trận quân sự và tổ chức các cuộc hội đàm thường niên giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng ba nước.


Những tranh cãi giữa Trung - Nhật – Hàn, phần lớn do nguồn gốc địa chính trị, lịch sử trước đây cũng như nguồn dầu khí khổng lồ nằm gần các quần đảo tranh chấp, sẽ còn thách thức sự ổn định tại Đông Bắc Á và có thể khiến khu vực mất đi sức hấp dẫn vào thời điểm châu Á đang nổi lên như một trung tâm tài chính của thế giới giữa thời khủng hoảng kinh tế hiện nay. Song với những mối quan hệ hay lợi ích ràng buộc, những căng thẳng hiện nay ở Đông Bắc Á phần nhiều rồi sẽ sớm hạ nhiệt.



Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN