Đối đầu Mỹ trong thương chiến, Trung Quốc biến đất hiếm càng thêm hiếm

Các nguyên tố đất hiếm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ cao, từ sản xuất điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu hiện đại. 

Chú thích ảnh
Hoạt động khai thác đất hiếm tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hãng RT (Nga) đưa tin Hội Công nghiệp Đất hiếm Trung Quốc (ACREI) bao gồm gần 300 công ty khai thác, chế biến và sản xuất, vừa tổ chức một cuộc họp đặc biệt hồi đầu tuần này, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tấn công Bắc Kinh bằng một loạt thuế quan mới.

Trong thông báo được công bố ngày 7/8, ACREI đã gọi chính sách thuế của Washington là hình thức “ức hiếp thương mại” nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. ACREI bày to sự phản đối kịch liệt về vấn đề này, đồng thời cho biết các công ty đất hiếm ở Trung Quốc nên tích cực mở rộng thị trường trong và ngoài nước. 

Trong khi khẳng định không bên nào thắng cuộc trong một cuộc chiến tranh thương mại, ACREI cảnh báo chính người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ trở thành nạn nhân của cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Hậu quả của những lệnh thuế quan do Mỹ áp đặt sẽ do chính người tiêu dùng và thị trường Mỹ gánh chịu”, thông báo viết. 

Những tuyên bố của ACREI đã cho thấy thêm dấu hiệu về việc Bắc Kinh có thể áp đặt lệnh giới hạn xuất khẩu đất hiếm để trả đũa Washington, biến loại khoáng sản này lại càng thêm hiếm. Nỗi lo ngại này dấy lên kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến một nhà máy xử lý đất hiếm ở Giang Tây hồi tháng 5. Sau đó, truyền thông địa phương đã đưa tin rằng Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng cấm xuất khẩu loại vật liệu quý này. 

Động thái này có thể là đòn giáng đau đớn với Mỹ, vốn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động cung cấp của Trung Quốc đối với loại vật liệu sử dụng trong mục đích quân sự và sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Nhằm đảm bảo nguồn cung của các nguyên tố quan trọng, Lầu Năm Góc tháng trước đã yêu cầu các nhà khai thác của Mỹ báo cáo về khả năng sản xuất của họ cũng như đưa ra kế hoạch phát triển ngành công nghiệp này. 

Ngoài ra, hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 5/6 dẫn lời một quan chức trong Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao đổi cùng một số công ty châu Phi về việc cung cấp đất hiếm nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ đối thủ thương chiến. Do đó, Lầu Năm Góc đã làm việc với công ty Mkango của Malawi và Rainbow Rare Earths của Burundi về việc cung cấp đất hiếm.

Trung Quốc xuất khẩu trên 80% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu và hoạt động xuất khẩu khoáng sản này bắt đầu giảm rõ rệt. Tháng 6 vừa qua, quốc gia châu Á này xuất khẩu tổng cộng 3.966 tấn đất hiếm, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ ngày 1/9 sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc, đồng nghĩa gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế. Ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và để ngỏ khả năng tiếp tục sử dụng "vũ khí" thuế quan. 

Những diễn biến leo thang liên tiếp này đã làm dấy lên mối lo ngại rằng cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã được khơi mào, trong bối cảnh mâu thuẫn trong các lĩnh vực thương mại và công nghệ cũng đang chồng chất.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế
Tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế

Ngày 8/8, Mỹ đã áp các mức thuế mới đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu trị giá hơn 4 tỷ USD từ Trung Quốc, cho rằng các nhà sản xuất nội thất của Trung Quốc đang hưởng lợi từ những khoản trợ cấp không công bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN