Điều tra các 'sếp lớn' dầu khí, Trung Quốc quyết lập lại kỉ cương

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định quyền kiểm soát đối với ngành dầu khí, thông qua việc đẩy mạnh cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng có liên quan đến 5 lãnh đạo đương chức hoặc nghỉ hưu của các công ty, tập đoàn dầu khí lớn.

Ông Jiang Jiemin, cựu Chủ tịch CNPC trong vòng vây báo chí. Ảnh: AP


Ngày 01/9, Bộ Giám sát Trung Quốc thông báo đã cho mở cuộc điều tra nhằm vào Jiang Jiemin (Tưởng Khiết Mẫn), Ủy viên trung ương đảng, cựu chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC). Đây được xem là nhân vật cao cấp nhất dính vào các cáo buộc tham nhũng kể từ khi êkip Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường lên nắm quyền lãnh đạo.

Ông Jiang bị điều tra vì những cáo buộc liên quan đến “vi phạm kỉ luật đảng” - thuật ngữ thường để chỉ hành vi tham nhũng của lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước.

Cuộc điều tra nhằm vào ông Jiang, người hồi tháng 4 vừa qua được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước thuộc Quốc vụ viện, là diễn biến mới nhất trong một chuỗi các sự kiện đang xảy ra CNPC, với 4 nhà lãnh đạo bị nghi ngờ dính vào vòng lao lý.

Các báo cáo mới nhất cũng cho thấy, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã tiến hành các bước đi đầy nỗ lực nhằm làm rõ cáo buộc tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang, người từng kinh qua các chức vụ chủ chốt trong ngành an ninh, từng là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, đồng thời cũng từng là Chủ tịch CNPC. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỉ qua, một nhân vật đương chức, hoặc nghỉ hưu thuộc cơ cấu quyền lực cao nhất có dính líu đến một cáo buộc như vậy.

Quyết định tiến hành các cuộc điều tra trên được đưa ra tại phiên họp của ĐCS Trung Quốc hồi tháng 11/2012. Tại đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất cần chấn chỉnh lại hoạt động của các tập đoàn dầu khí, cùng các chân rết của nó - những thực thể bị nhìn nhận là hoạt động vượt quyền kiểm soát của Chính phủ.

Cuộc “tấn công” nhằm vào CNPC - công ty dầu khí lớn thứ 2 thế giới sau Exxon Mobil (Mỹ) tính theo vốn hóa thị trường, cho thấy quyết tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc giành quyền kiểm soát lĩnh vực then chốt, trọng yếu này. Dư luận nhìn nhận, động thái này cho thấy sự đồng thuận trong giới lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc - điều rất khó đạt được. Cả ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều muốn tấn công vào các nhóm lợi ích, mở đường cho các cải cách mang tính thị trường hơn. Các nhóm này thường có xuất hiện tại các ngành thuộc quyền kiểm soát của nhà nước, được hưởng vị thế độc quyền, có khả năng tiếp cận dễ dàng đối với các khoản tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp...

Ông Jiang cũng là nhân vật đầu tiên trong số 200 ủy viên Trung ương đảng bị điều tra vì tham nhũng kể từ đợt chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới tại Trung Quốc.

Trước đó, Chủ tịch tập đoàn viễn thông China Mobil cũng bị bắt giữ hồi tháng 8 cũng vì các cáo buộc tương tự. Hồi tháng 7, cựu Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân cũng bị kết án tử hình treo vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.


HT(Reuters, AP)
Trung Quốc điều tra Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài sản
Trung Quốc điều tra Chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài sản

Trung Quốc đang điều tra ông Tưởng Khiết Mẫn (Jiang Jiemin), Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện, do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN