Diệt trừ 'virus' phá hoại sự đoàn kết

Bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, vấn nạn phân biệt, kỳ thị chủng tộc vẫn tồn tại, gây hậu quả nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Mỹ, Anh và Pháp đang tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo tại các nước này trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine. Trong ảnh: Cảnh sát Pháp được triển khai để ngăn chặn những người biểu tình quá khích tại Paris, Pháp, ngày 12/10/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày Quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc hằng năm là dịp gửi đi thông điệp kêu gọi các nước chung tay đẩy lùi "virus" nguy hiểm đang gây chia rẽ thế giới nói chung và bào mòn xã hội của từng quốc gia nói riêng.

Nạn phân biệt đối xử là một vấn đề mang tính lịch sử, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, từ việc các cá nhân bị ngăn cản thụ hưởng các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng vì màu da, nguồn gốc, quốc gia hay dân tộc, đến việc kích động hận thù sắc tộc, làm rối loạn cuộc sống và phá vỡ sự gắn kết giữa các cộng đồng.

 Số vụ việc chống lại người Do Thái đã tăng mạnh tại nhiều nước sau khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hồi tháng 10/2023. Tại Anh, số vụ người Do Thái bị quấy rối, đe dọa và tấn công năm ngoái lên tới 4.103 vụ, cao hơn gấp đôi so với năm 2022, hơn 60% số vụ việc xảy ra trong hoặc sau ngày 7/10. Làn sóng bài Hồi giáo vẫn âm ỉ tại châu Âu, thể hiện qua các vụ xúc phạm kinh Koran, tấn công các đền thờ Hồi giáo, những hành vi không chấp nhận tôn giáo, tiêu cực, hận thù và bạo lực đối với người Hồi giáo. Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 15/3 vừa qua đã thông qua nghị quyết về các biện pháp chống bài trừ Hồi giáo.

"Virus" kỳ thị người gốc Á lan rộng ở Mỹ, quốc gia đa chủng tộc, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, xuất phát từ những đồn đoán vô căn cứ và được kích động qua mạng xã hội, rằng chính người châu Á đã làm lây lan virus ra toàn cầu. Năm 2020, tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất nước này tăng vọt gần 150%. Theo số liệu của Stop AAPI, tổ chức vận động xóa bỏ phân biệt đối xử với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, số vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á đã tăng từ 3.795 lên 6.603, gần 2/3 trong đó nhắm đến đối tượng là phụ nữ.

Không chỉ gieo rắc bạo lực, vấn nạn kỳ thị nhằm vào người gốc Á còn gây chia rẽ, thù hận trong xã hội Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi mà hơn lúc vào hết, cộng đồng quốc tế cần hợp tác, đoàn kết để đối phó với đại dịch COVID-19. Tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch COVID-19, với thông điệp rằng phân biệt chủng tộc như một liều thuốc độc gây chia rẽ, đồng thời khẳng định: "Chúng ta cần đoàn kết như một dân tộc, một quốc gia, một nước Mỹ". 

Bên cạnh đó, vấn đề chủng tộc cũng thường xuyên bị lợi dụng để kích động, gây rối, tạo sự bất ổn, thậm chí dẫn tới những cuộc chiến tranh thảm khốc như cuộc chiến ở Bosnia Hezegovina từ tháng 4/1992-tháng 12/1995 khiến hơn 110.000 người thiệt mạng, hay cuộc xung đột ở Kosovo giai đoạn 1998-1999. Chủ đề "sắc tộc" còn có thể tạo cớ cho các hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền. Với lý do "bảo vệ người gốc Albania ở Kosovo", Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở chiến dịch ném bom vào CHLB Nam Tư từ ngày 24/3/1999, mặc dù không được Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận. Chiến dịch không kích của NATO nhằm vào Nam Tư kéo dài 78 ngày, với 2.300 vụ không kích, tấn công 995 mục tiêu khác nhau, khiến 3.500-4.000 người Nam Tư thiệt mạng, 10.000 bị thương, trong đó 2/3 là dân thường.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường biện pháp ngăn chặn các hành vi kỳ thị gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết này. Tháng 2/2023, Pháp công bố kế hoạch quốc gia kéo dài 4 năm với 80 biện pháp, nhằm chống phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, cũng như mọi hình thức phân biệt đối xử. Nhiều nước đã ban hành các đạo luật và chính sách bảo đảm quyền của các cộng đồng thiểu số hay người bản địa. 

Tham gia Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD)  từ năm 1982, là một quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm thể hiện sự tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiến pháp năm 2013 khẳng định sự bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc (là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi)

Trong chuyến công tác tại Việt Nam tháng 11/2023, ông Surya Deva - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển nhận xét: “Rõ ràng có rất nhiều thay đổi trong đời sống người dân tộc thiểu số Việt Nam. Các cấp chính quyền cũng rất nhanh chóng trong việc khắc phục những vấn đề liên quan. Có rất nhiều chương trình, dự án để đảm bảo không một người dân tộc thiểu số nào bị bỏ lại phía sau. Tôi tin Uỷ ban Công ước CERD sẽ ghi nhận những nỗ lực này của Việt Nam”.

Bất chấp thực tế này, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cớ cho hành động can thiệp từ bên ngoài, thực hiện mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước. Ngay sau vụ tấn công có vũ trang tại 2 trụ sở ủy ban nhân dân xã của tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, một số kênh truyền thông nước ngoài không thiện chí với Việt Nam, các đối tượng chống phá, thù địch ở nước ngoài đã xuyên tạc, bóp méo bản chất vụ việc, gọi đây là "sự phân biệt đối xử giữa các dân tộc”, "hệ quả của mâu thuẫn sắc tộc", rêu rao rằng "người thiểu số không quy thuận người Kinh"… hòng kích động tâm lý kỳ thị dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, xa hơn nữa là xúi giục, lôi kéo người dân tụ tập chống chính quyền. Tuy nhiên, âm mưu, thủ đoạn đánh tráo bản chất vụ việc, biến vụ khủng bố thành vấn đề xung đột, mâu thuẫn sắc tộc đã sớm bị lật tẩy. Trong vụ việc này, người dân địa phương đã đoàn kết, ủng hộ các cơ quan thực thi pháp luật, vận động người thân ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng.

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc 2024, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói rằng nạn phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc chính là một tội ác. Người đứng đầu LHQ một lần nữa hối thúc cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ để diệt trừ loại "virus" có khả năng phá hoại, bào mòn sự đoàn kết toàn cầu, bằng cách cùng nhau xây dựng một thế giới có phẩm giá, công bằng và cơ hội bình đẳng cho mọi cộng đồng, ở mọi nơi.

Nguyễn Hà
Brazil: Phản đối hành vi phân biệt chủng tộc đối với cầu thủ
Brazil: Phản đối hành vi phân biệt chủng tộc đối với cầu thủ

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 15/3, Chính phủ Brazil đã ra tuyên bố phản đối các hành vi phân biệt chủng tộc mới nhằm vào cầu thủ bóng đá da màu người Brazil Vinicius Junior đang khoác áo CLB Real Madrid của Tây Ban Nha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN