Dịch COVID-19: Singapore công bố gói ngân sách mới để hỗ trợ kinh tế

Ngày 6/4, Singapore đã công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 5,1 tỷ SGD (3,55 tỷ USD) bao gồm hỗ trợ lương, miễn thuế và các khoản thanh toán một lần để chống lại tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại trung tâm thương mại ở Singapore ngày 3/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat nhấn mạnh đây là gói ngân sách chưa từng có tiền lệ trong thời kỳ đặc biệt. Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Singapore công bố các biện pháp hỗ trợ mới trị giá 30 tỷ USD để ứng phó với nguy cơ kinh tế suy thoái sâu.

Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore cho biết đã nới lỏng chính sách tiền tệ khi hạ tỷ giá tham chiếu, qua đó cho phép đồng nội tệ dollar Singapore (SGD) yếu hơn so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Cơ quan này nhận định bất ổn lớn vẫn còn tồn tại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, cũng như mức độ hiệu quả của các biện pháp chính sách.

Thay vì sử dụng công cụ lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng cách cho đồng SGD tăng hoặc giảm so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại. Trung tâm tài chính này là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới song thường chịu tác động nặng nề nhất và sớm nhất khi xảy ra bất kỳ "cú sốc" toàn cầu nào. Trong 3 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Hàn Quốc, hãng hàng không giá rẻ Eastar Jet Co thông báo cắt sẽ giảm 20% nhân lực, thấp hơn so với đề xuất ban đầu, nhằm giúp doanh nghiệp này trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực tới ngành hàng không.

Theo kế hoạch ban đầu, Eastar Jet Co định cắt giảm 750 nhân viên trong tổng số 1.680 người. Công ty này cũng dự định trả lại 10 trong tổng số 23 máy bay B737-800 thuê của các doanh nghiệp. Động thái trên diễn ra sau khi Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) bác bỏ đề nghị cấp khoản vay cho Eastar Jet do công ty này thiếu tài sản thế chấp và có tín nhiệm thấp.

Eastar Jet có 7,7 tỷ won (6,2 triệu USD) dự trữ tiền mặt vào cuối năm ngoái và khoản nợ gần 40 tỷ won (32,5 triệu USD). Các máy bay của hãng tạm đã ngừng hoạt động từ ngày 24/3 đến 25/4 do ngày càng nhiều nước đóng cửa biên giới hoặc áp đặt hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh. Công ty này đang có nguy cơ phá sản nếu kế hoạch sáp nhập của Jeju Air Co cần thêm thời gian để chính phủ thông qua, khiến Jeju Air không thể "bơm" tiền cho Eastar Jet kịp thời. Cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc hiện đang xem xét kế hoạch sáp nhập của hai hãng hàng không này.

Tháng trước, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ "bơm" 300 tỷ won (244 triệu USD) cho các hãng hàng không giá rẻ đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Trước đó, hai hãng hàng không Korean Air và Asiana cũng đề nghị chính phủ đưa ra gói tài chính khẩn cấp và biện pháp giảm thuế sớm nhất có thể.

Đặng Ánh (TTXVN)
Nền tảng UP hợp tác với Syfe để giúp người dân Singapore giảm bớt những rủi ro
Nền tảng UP hợp tác với Syfe để giúp người dân Singapore giảm bớt những rủi ro

SINGAPORE – Media OutReach – Ngày 2 tháng 4 năm 2020 – Hai công ty khởi nghiệp (startup), nền tảng lập kế hoạch cuộc sống ‘Up’ (www.upplan.sg) của BetterTrade Offer và quản lý tài sản kỹ thuật số Syfe (www.syfe.com) đã hợp tác để giúp người dân Singapore giảm thiểu rủi ro và kiểm soát tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh sự căng thẳng về tài chính gia tăng khi đối mặt với các sự kiện bất thường gần đây, như đại dịch COVI-19 chẳng hạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN