Đất nước ở Bắc Phi rơi vào khủng hoảng, lạm phát vì cuộc chiến Ukraine

Cuộc chiến ở Ukraine khiến kinh tế Ai Cập gặp khó khăn, lạm phát tăng cao. Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà bị tác động lớn.

Chú thích ảnh
Sắp xếp bánh mì mới nướng để bán tại chợ Al-Monira ở Cairo, Ai Cập ngày 1/6. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, những ngày này, tủ lạnh nhà Hanna Ayyad chỉ có một vài đồ ăn. Hanna Ayyad làm nghề bán hoa quả trên đường phố ở Cairo và đã hạn chế khẩu phần ăn của gia đình mình trong tình hình lạm phát tại Ai Cập tăng nhanh do tác động từ chiến tranh Ukraine.

Ayyad kể: “Chúng tôi hạn chế ăn thịt, mỗi tháng chỉ mua một lần.., không giống như trước đây”.

Khách hàng của anh cũng đã giảm bớt tiền mua hoa quả, khiến thu nhập hàng ngày của anh bị thu hẹp lại.

Ayyad nói: “Một số người từng mua 5kg hoặc 10kg trái cây. Bây giờ họ có thể mua nhiều nhất là 1kg hoặc 2kg”. Anh phải mất nhiều ngày mới bán hết được số lượng hoa quả mà trước đây chỉ cần một ngày là bán hết.

Khả năng chi tiêu của các hộ gia đình Ai Cập thuộc mọi mức thu nhập đang giảm nhanh chóng. Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng rủi ro bất ổn ở Ai Cập.

Trong những tháng gần đây, người dân Ai Cập gặp khó khăn vì hạn chế nhập khẩu và đồng nội tệ mất giá. Người ta phải lên mạng xã hội để tìm các đồ ăn thay thế dành cho thú cưng vì không có hàng nhập khẩu. Còn người nghèo hơn như Ayyad thì phải cắt giảm tiền mua sắm hàng tạp hóa.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's hồi tháng 5 đã cảnh báo về rủi ro chính trị và xã hội khi hạ triển vọng kinh tế Ai Cập trong năm từ mức ổn định xuống tiêu cực.

Dự đoán trước tình hình bất ổn, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã khởi xướng một cuộc đối thoại quốc gia với các nhân vật đối lập.

Tỷ lệ lạm phát chính thức của Ai Cập ở mức 14,7% trong tháng 6, tăng so với khoảng 5% cùng thời điểm năm ngoái, nhưng người tiêu dùng cho biết giá cả đã tăng vọt hơn cả con số này kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2.

Trên khắp thủ đô, tại một siêu thị cao cấp, Haya Aref tìm kiếm các mặt hàng thay thế trong nước rẻ hơn. Trước đây, phải 6 tới 8 tháng thì cô mới thấy giá cả biến động từ 10% đến 15%, nhưng hiện nay, giá tăng thường xuyên hơn và nhiều hơn.

Giá tăng khiến Aref cắt giảm protein và đồ ăn nhẹ để tiết kiệm tiền hàng tháng. Đối với cô, rau trồng trong nước đã trở thành một lựa chọn hợp lý và tốt cho sức khỏe.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến thị trường ngũ cốc toàn cầu bấp bênh và khiến giá cả tăng cao. Ai Cập là quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine khi mua tới 80% lượng lúa mì từ hai nước này. Ai Cập hiện trả 435 USD/tấn thay vì 270 USD vào năm ngoái.

Chiến tranh ở Ukrarine cũng đã làm suy yếu ngành du lịch của Ai Cập. Khách du lịch Nga và Ukraine từng chiếm một phần ba lượng khách hàng năm của đất nước nhưng những con số này đã giảm xuống.

Vào thời điểm nền kinh tế hầu như không phục hồi sau đại dịch COVID-19, chiến tranh đã khiến những thách thức ở Ai Cập thêm khó giải quyết.

Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's, tăng lãi suất tại các thị trường ổn định hơn như Mỹ đã khiến Ai Cập mất khoảng 20 tỷ USD.

Nhà phân tích kinh tế Salma Hussein giải thích: “Trong 5-6 năm qua, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào tiền nóng. Tôi gọi đó là những khoản nợ tiềm ẩn bên ngoài. Khi tỷ suất lợi nhuận trên nợ chính phủ ở mức rất cao thì rất nhiều người đổ tiền vào. Còn khi có thay đổi, họ lại rút tiền đi đầu tiên”.

Điều này khiến Chính phủ Ai Cập lao đao vì khủng hoảng tiền mặt và các khoản nợ lên tới 85% quy mô nền kinh tế. Khi dự trữ ngoại tệ giảm, chính phủ bắt đầu phá giá đồng bảng Ai Cập một cách hạn chế, khiến đồng bảng Ai Cập mất 17% giá trị hồi tháng 3.

Cùng với các biện pháp khác của Chính phủ Ai Cập nhằm kiểm soát dòng ngoại tệ ra khỏi đất nước, nhập khẩu trở nên khó khăn hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Thủ tướng Mostafa Madbouly cho biết trong một cuộc họp báo trên truyền hình hồi tháng 5: “Tất cả chúng ta nên biết khủng hoảng trầm trọng không chỉ ở Ai Cập mà trên toàn thế giới”.

Ông nói rằng các tác động trực tiếp và gián tiếp của cuộc khủng hoảng sẽ khiến Ai Cập thiệt hại 24,6 tỷ USD.

Chính phủ đang tìm kiếm thêm các khoản vay - đặc biệt là từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các nước Arab vùng Vịnh đã rót hàng tỷ USD vào nước này để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đang bị suy giảm kể từ tháng 2.

Một khoản tiền lớn từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang đến Ai Cập dưới hình thức đầu tư và mua lại các công ty lớn của Ai Cập.

Chính phủ Ai Cập muốn thực hiện nhiều hơn thế. Ông Madbouly đã vạch ra kế hoạch chào bán cổ phần trong các công ty thuộc sở hữu nhà nước và quân đội để mang về 40 tỷ USD trong vòng 4 năm.

Đối với các nhà kinh tế học, đây là một giải pháp nhanh chóng để bù đắp khoản nợ nhưng không giải quyết được các vấn đề cơ bản.

Một trong những chủ trương chính của chính phủ lúc này là đảm bảo lúa mì để trợ cấp bánh mì cho 70 triệu người Ai Cập. Chính phủ đã dành ưu đãi cho nông dân địa phương trồng lúa mì và bán cho chính phủ để bù vào ngũ cốc thiếu hụt.

Ayyad, người bán hoa quả rong nói trên, phụ thuộc vào các khoản trợ cấp cơ bản và tiền mặt của chính phủ. Khi thu nhập giảm đi, anh cũng đang cắt giảm chi tiêu cho việc học của các con trai. Anh lo lắng xem tin tức và sợ tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.

Còn với Aref, cô cảm thấy như người Ai Cập đang ở trong chế độ sinh tồn và tình hình đang trở nên hơi đáng sợ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lạm phát bắt đầu len lỏi vào bữa ăn học đường tại Nhật Bản
Lạm phát bắt đầu len lỏi vào bữa ăn học đường tại Nhật Bản

Lạm phát đang trở thành một vấn đề chính trị nóng ở Nhật Bản - một quốc gia từ lâu đã không quen với việc giá cả hàng hóa tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN