Tại cuộc họp của đảng DP, Chủ tịch Ủy ban của DP về vaccine phòng COVID-19, bà Jean Hye-sook cho biết ủy ban khuyến nghị các cơ quan y tế ưu tiên cho những người đã tiêm đủ liều vaccine. Trong đó, DP cũng đề xuất những người đã được tiêm vaccine được phép tự do ra vào các trung tâm phúc lợi xã hội công cộng và viện dưỡng lão.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc cũng cho rằng những người đã được tiêm đủ liều vaccine nên được miễn các hạn chế hoạt động kinh doanh đến 22h và những chủ doanh nghiệp nhỏ được ưu tiên tiêm vaccine trước so với những người khác.
Bên cạnh đó, DP cũng đề ra sáng kiến dỡ bỏ hạn chế độ tuổi được tiêm vaccine hiện nay để nhiều người được tiêm vaccine sớm hơn so với lộ trình đề ra theo độ tuổi. Theo bà Jean Hye-sook, ủy ban trên cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần có chính sách miễn cách ly dựa trên cơ sở chấp nhận hộ chiếu vaccine chung với các nước khác.
Cũng nhằm đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine ngừa COVID-19, Chính phủ Australia sẽ cho ra mắt hệ thống trực tuyến mới từ ngày 25/5 cho phép người dân tại bang Tây Australia đặt lịch hẹn tiêm.
Cụ thể, hệ thống này sẽ cung cấp quy trình trực tuyến đặt và xác nhận lịch hẹn tiêm tại các cơ sở tiêm chủng cộng đồng và bệnh viện trên toàn bang. Sau khi đăng ký trực tuyến, các kết quả tìm kiếm sẽ hiển thị những cơ sở y tế liên quan và thời điểm dựa trên thông tin mà người dùng cung cấp, cùng với vaccine được khuyến cáo và thời gian giữa các liều vaccine.
Cùng ngày 24/5, hãng dược phẩm Johnson & Johnson (Mỹ) thông báo một trong những công ty con của hãng đã đệ đơn lên Bộ Y tế Nhật Bản xin cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Mỹ này.
Theo công ty Janssen Pharmaceutical K.K., nghiên cứu giai đoạn 1 được tiến hành ở 250 người khỏe mạnh từ 20 - 55 tuổi và những người trên 65 tuổi tại Nhật Bản cho thấy loại vaccine chỉ một liều của Johnson & Johnson không gây những rủi ro về sức khỏe.
Nếu được thông qua, vaccine của Johnson & Johnson khả năng sẽ được vận chuyển đến Nhật Bản vào đầu năm 2022 và trở thành vaccine phòng COVID-19 thứ 4 được cấp phép tại nước này. Ngày 21/5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản chính thức phê duyệt 2 loại vaccine của Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh). Trước đó, nước này cũng cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer (Mỹ).
Chương trình tiêm chủng của Nhật Bản đang tụt hậu so với các nước phát triển khác. Kể từ khi được triển khai vào tháng 2, bắt đầu với các nhân viên y tế và sau đó mở rộng sang những người từ 65 tuổi trở lên, mới chỉ có khoảng 4% trong 126 triệu dân của nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.