Trung Quốc:

Dân thành thị tự trồng trọt chống "bão giá"

Giá rau quả tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt đến mức không ít người dân thành phố quyết định "tự canh tác" để không chỉ có rau sạch, mà còn giảm chi phí cho những bữa ăn hàng ngày.

Cư dân tại thành phố Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, đang miệt mài với mùa vụ của mình. Họ trồng cà, hành, củ cải, bắp cải và nhiều loại rau củ khác. Lin Xiaofeng, một người dân hồ hởi cho biết: "Nhà tôi vừa thu hoạch hai vụ cà. Giờ thì chúng tôi gần như không phải mua rau từ chợ nữa". Gia đình Lin sống dựa trên thu nhập ít ỏi chỉ hơn 1.000 nhân dân tệ (NDT) mỗi tháng, vì vậy khi giá rau củ ở Trung Quốc tăng khoảng 30% kể từ tháng trước, họ càng bức bách hơn.

Lin không phải là người duy nhất quyết định tự trồng trọt, một phụ nữ họ Zhang nói rằng không chỉ canh tác cho nhu cầu bản thân mà cô còn lấy các nông sản "cây nhà lá vườn" này làm quà cho người thân, bạn bè. Vừa tưới vườn rau của mình, Zhang vừa tâm sự: "Giờ một nhúm rau xanh cũng lên tới 3,5 NDT trong siêu thị. Mức giá như vậy quá đắt đỏ với những người thu nhập thấp như tôi".

Tuy nhiên, giới chức thành phố luôn cảnh báo rằng người dân không thể trồng rau tại các vành đai xanh bởi điều đó sẽ làm thay đổi mục đích sử dụng đất công cộng. Thậm chí mức phạt cũng đã được quy định là 10 NDT một ngày đối với mỗi mét vuông bị biến thành… đất nông nghiệp. Người dân Hải Nam phản bác rằng trồng rau mới chính là điều then chốt để giữ gìn các vành đai xanh.

Không chỉ ở Hải Nam, tại các tỉnh Phúc Kiến, Hà Nam và Thiểm Tây, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân trồng rau trên… đường phố, sân vườn hay thậm chí trên ban công. Một số người còn dùng những bồn tắm đã hỏng để biến thành vườn rau xanh của gia đình.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI-thước đo lạm phát) tại Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong 25 tháng qua là 4,4% trong tháng 10. Giá lương thực, vốn chiếm 74% chỉ số, tăng 10,1% trong tháng này. Riêng giá rau củ đã leo thang 31% còn giá hoa quả cũng tăng 17,7%.

Khi sức mua bị kích động

Theo Yuan Gangming, một nhà phân tích kinh tế tại đại học Thanh Hoa, Trung Quốc từng nếm trải 5 lần "bão giá" trong quá khứ mà lần nặng nề nhất là năm 1988. Năm đó, giá ở một số khu vực vượt ngoài tầm kiểm soát. Mọi người càn quét chợ búa, mua sắm trong hoảng loạn các mặt hàng cần thiết như dầu và muối. Nhiều người mua số lượng đủ dùng tới cả năm.

Cho dù lúc này sức mua chưa bị kích động đến như vậy, nhưng rõ ràng tình trạng giá cả leo thang đang khiến người dân bình thường cảm thấy bất an. Một phụ nữ họ Zhou viết trên Internet: "Năm 2000, tôi mời một người bạn đến ăn tối. Chúng tôi ăn thỏa thuê với chỉ 50 NDT. Giờ một chai dầu lạc đã là 98 NDT rồi". Thời mà Zhou còn học đại học đó, cô chỉ tiêu 200-300 NDT mỗi tháng tiền cơm. Giờ một bữa ăn nhanh cho 3 người tại KFC cũng gần 100 NDT.

Trong thập niên 80, khi xảy ra tình trạng thiếu rau củ, nhiều người dân ở Bắc Kinh bắt đầu tự trồng cải bắp. Giờ giá tăng cao buộc một số dân thành thị ngay tại thủ đô cũng phải quay lại với "chiêu" từ hai thập kỷ trước. Những người khác thì đành chọn các thực phẩm rẻ hơn như chuyển từ thói quen ăn táo sang lê khi giá táo tăng vọt gần gấp ba.

Nhiều siêu thị khôn ngoan đang tranh thủ thời cơ để lôi kéo khách hàng với chiêu treo biển giảm giá rau củ. Một nhà quản lý siêu thị tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên cho biết: "Dù làm như vậy, lợi nhuận từ rau sẽ giảm song chúng tôi lại thu hút được khách hàng và họ sẽ mua các mặt hàng khác nữa. Đó là cách quảng bá hiệu quả".

Giá nông sản tăng cũng không đem lợi gì cho nông dân bởi chi phí sản xuất đang leo thang theo. Li Guiying, một nông dân ở tỉnh Hà Nam, cho biết: "Giờ một ngày chúng tôi kiếm được 50-60 NDT, cao hơn trước kia một chút. Song các chi phí cũng đâu đứng yên. Giá thuốc trừ sâu và phân bón đang tăng nhanh".

Trung Sơn  (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN