Đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1: Cánh cửa hẹp

Vòng đàm phán mới giữa Iran và nhóm P5+1, gồm năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, dự kiến diễn ra ngày 14/4 ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Mặc dù cơ hội đã bắt đầu được mở ra sau hơn một năm đàm phán rơi vào bế tắc, song có thể nói triển vọng thành công của cuộc đàm phán lần này chỉ như là "cánh cửa hẹp" vì chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên có thể rút ngắn khoảng cách.

Mỹ điều tàu sân bay USS Enterprise tới Vùng Vịnh ngay trước thềm cuộc đàm phán hòng gây sức ép với Iran. Ảnh: Internet

Ngược về quá khứ, đàm phán giữa Iran và phương Tây đã nhiều lần đổ vỡ do bất đồng về nội dung đàm phán. Lần đổ vỡ gần nhất hồi tháng 1/2011 cũng không phải là ngoại lệ khi phương Tây khăng khăng đòi tập trung vào một vấn đề duy nhất là chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Têhêran yêu cầu nội dung đàm phán sẽ bao gồm cả các vấn đề tác động đến an ninh và chính trị khu vực Trung Đông. Trong khi luôn kết nối chương trình hạt nhân của Iran với nguy cơ gây bất ổn an ninh và chính trị, việc phương Tây phớt lờ những đề xuất của Iran liên quan đến nội dung đàm phán dường như là một động thái không mấy phù hợp, đặc biệt là khi cân nhắc đến tầm ảnh hưởng của quốc gia Hồi giáo này đối với khu vực.

Bên trong phòng điều khiển làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: Internet

Trong bối cảnh các cơn bão khủng hoảng chính trị tiếp tục càn quét vùng Trung Đông, Iran đã đề nghị lồng ghép vào chương trình đàm phán các vấn đề hợp tác để giải quyết các cuộc khủng hoảng, chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và giải trừ hạt nhân toàn khu vực. Ví như với cuộc khủng hoảng chính trị ở Xyri, trong khi Iran, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh đến một giải pháp trong phạm vi khu vực thì Mỹ, Liên minh châu Âu, Ixraen và một số chính phủ Arập muốn thay thế chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad bằng một chính phủ thân phương Tây. Để giải quyết được vấn đề, cần phải có sự dung hòa và điều này đòi hỏi có sự hợp tác giữa các bên để đưa ra một giải pháp thực sự. Như vậy, tiến trình này không thể thiếu vắng Iran với tư cách là đồng minh thân cận của Xyri, đồng thời là một quốc gia có vị thế ở khu vực.

Vấn đề thứ hai là giải trừ hạt nhân toàn diện tại Trung Đông. Về mặt lý thuyết, cả Iran và phương Tây đều ủng hộ hợp tác để thực hiện ý tưởng biến Trung Đông thành khu vực không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong khi Mỹ ra sức ép Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, bất chấp thực tế cho đến thời điểm này chưa có bằng chứng nào cho thấy Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân thì Oasinhtơn lại làm ngơ trước thực tế rằng đồng minh của Mỹ - Ixraen - là quốc gia duy nhất ở Trung Đông sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này. Việc Nhà Trắng áp dụng tiêu chuẩn kép trong vấn đề hạt nhân rõ ràng là một sự bất công đối với Iran. Hơn thế nữa, chừng nào Ixraen vẫn có vũ khí hạt nhân thì chừng đó nguy cơ hạt nhân đối với hòa bình và an ninh khu vực vẫn còn tồn tại.

Iran có thể đang bị Mỹ gây áp lực về kinh tế nhưng rõ ràng trong phạm vi khu vực, quốc gia này đóng một vị thế khá quan trọng. Nói một cách trực diện hơn, Iran đang tìm kiếm một vai trò bình đẳng hơn trong đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp cân bằng với phương Tây trong vấn đề hạt nhân.

Phương Tây chỉ trích Iran đang "câu giờ" và né tránh một cuộc đàm phán nghiêm túc khi nhất quyết đòi mở rộng chương trình nghị sự, song thực tế cho thấy Mỹ và các đồng minh đang tìm cách làm suy yếu Iran trước khi bước vào đàm phán. Vài ngày trước, Mỹ đã điều thêm tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Enterprise (CVN 65) tới Vùng Vịnh, phối hợp hoạt động với tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72) vốn đã hiện diện tại vùng biển này từ nhiều tuần qua. Song song với các biện pháp cấm vận kinh tế, việc Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự trong thời điểm cần một bầu không khí cởi mở để thương lượng chẳng khác nào gửi đi thông điệp rằng Iran sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nếu tiếp tục giữ thái độ "cứng đầu".

Trong khi đó, bất chấp việc phương Tây gây hàng loạt áp lực về kinh tế và ngoại giao, kèm thêm những lời đe dọa về khả năng tấn công quân sự phủ đầu, Iran vẫn kiên định lập trường các bên bình đẳng trong đàm phán khi thẳng thừng tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào đối với các cuộc đàm phán hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi nêu rõ, việc đặt điều kiện trước cuộc họp không khác nào đưa ra kết luận trước khi đàm phán và như vậy thương lượng chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một phía.

Cho đến thời điểm này, phương Tây vẫn tuyên bố hạn chế chương trình nghị sự trong vấn đề hạt nhân và Iran cũng tỏ thái độ sẽ không lùi bước. Điều này đang đe dọa một lần nữa làm đàm phán thất bại. Rõ ràng trong tình thế hiện nay, đàm phán hạt nhân giữa P5+1 với Iran chỉ có cơ hội thành công khi hai bên có những biện pháp xây dựng lòng tin hơn là tiếp tục tìm cách gây sức ép nhằm đạt được thế thượng phong trên bàn thương lượng.

Cẩm Tuyến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN