Đại dịch COVID-19 khiến gần 10.000 binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ bị béo phì

Những quân nhân thừa cân và béo phì có nhiều khả năng bị thương hơn và ít có khả năng chịu đựng trước những yêu cầu về thể chất trong nghề nghiệp.

Chú thích ảnh
Trung sĩ Daniel Murillo tập luyện để lấy lại vóc dáng chuẩn. Ảnh: AP

Sau khi tăng 13 kg trong mùa dịch COVID-19, Trung sĩ Daniel Murillo thuộc lực lượng Lục quân Mỹ cuối cùng cũng quyết tâm lấy lại thân hình chuẩn.

Những đợt phong tỏa vào thời điểm đầu mùa dịch đã khiến Murillo có hàng giờ ngồi cắm mặt vào máy tính xách tay và tìm đến bánh quy, khoai tây chiên để quên đi nỗi buồn chán trong doanh trại Fort Bragg, bang North Carolina.

Các phòng tập thể dục đóng cửa, các buổi huấn luyện của doanh trại không được tổ chức và động lực tự tập luyện của Murillo cũng không còn.

Murillp chỉ cao 1m65 nhưng nặng tới 85 kg bày tỏ: “Tôi có thể nhận ra vấn đề. Quân phục đã chật hơn”.

Murillo không phải là binh sĩ duy nhất trong quân ngũ đối mặt với tình trạng thừa cân. Nghiên cứu mới cho thấy tình trạng béo phì trong quân đội Mỹ gia tăng trong thời kỳ đại dịch. Chỉ riêng trong Lục quân, gần 10.000 binh sĩ tại ngũ đã mắc bệnh béo phì từ tháng 2/2019 đến tháng 6/2021, đẩy tỷ lệ này lên gần 1/4 số quân được nghiên cứu. Sự gia tăng cũng được nhìn thấy trong lực lượng Hải quân và Thủy quân lục chiến.

Tracey Perez Koehlmoos, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Bethesda bang Maryland – tác giả nghiên cứu, cho biết: “Lục quân và các lực lượng khác cần tập trung vào cách đưa lực lượng trở lại trạng thái khỏe mạnh”.

Những quân nhân thừa cân và béo phì có nhiều khả năng bị thương hơn và ít có khả năng chịu đựng trước những yêu cầu về thể chất trong nghề nghiệp. Nghiên cứu liên bang chỉ ra quân đội mất hơn 650.000 ngày làm việc mỗi năm vì trọng lượng tăng thêm và chi phí y tế liên quan đến béo phì vượt quá 1,5 tỷ USD/năm.

Bà Koehlmoos cảnh báo không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng thừa quân trong các lực lượng vũ trang của Mỹ kết thúc, nhấn mạnh những lo ngại lâu nay về sự sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng Mỹ.

Các nhà lãnh đạo quân sự đã cảnh báo về tác động của bệnh béo phì đối với quân đội Mỹ trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nhưng những tác động kéo dài của đại dịch cho thấy cần phải hành động khẩn cấp. Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu Stephen Cheney, đồng tác giả báo cáo, lưu ý: “Các con số vẫn chưa khá hơn, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Thật tàn khốc. Chúng ta đang có một vấn đề nghiêm trọng về an ninh quốc gia”.

Trong năm tài chính 2022, Lục quân lần đầu tiên không đạt được mục tiêu tuyển dụng, thiếu 15.000 tân binh, tương đương 1/4 so với yêu cầu. Điều đó phần lớn là do 3/4 người Mỹ từ 17 đến 24 tuổi không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự vì một số lý do, bao gồm cả thừa cân. Theo báo cáo, thừa cân là nguyên nhân lớn nhất khiến các ứng viên bị loại, ảnh hưởng đến hơn 1 trên 10 ứng viên tiềm năng.

Tăng cân có thể khiến các quân nhân khó đáp ứng các yêu cầu về thể lực cốt lõi. Các yêu cầu này khác nhau tùy thuộc vào quân chủng. Ví dụ, trong Lục quân, nếu các binh sĩ không thể vượt qua Bài kiểm tra sức khỏe chiến đấu, một thước đo khả năng được cập nhật gần đây, thì họ có thể bị quản chế hoặc kết thúc sự nghiệp quân ngũ.

Koehlmoos và nhóm của bà đã phân tích hồ sơ y tế của tất cả các quân nhân đang tại ngũ trong Kho lưu trữ dữ liệu hệ thống y tế quân sự. Họ loại trừ những quân nhân không có hồ sơ đầy đủ trong hai giai đoạn (trước và trong đại dịch).

Trong số gần 200.000 binh sĩ còn lại, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gần 27% những người khỏe mạnh trước đại dịch trở nên thừa cân. Và gần 16% những người trước đây thừa cân trở nên béo phì. Trước đại dịch, khoảng 18% binh lính bị béo phì. Đến năm 2021, tỷ lệ đã tăng lên 23%.

Các nhà nghiên cứu đã dựa vào chỉ số BMI tiêu chuẩn - một phép tính cân nặng và chiều cao được sử dụng để phân loại tình trạng cân nặng. Một người có chỉ số BMI từ 18,5 đến 25 được coi là khỏe mạnh, trong khi chỉ số BMI từ 25 đến dưới 30 được coi là thừa cân. Chỉ số BMI từ 30 trở lên được phân loại là béo phì.

Trong trường hợp của Murillo, chỉ số BMI của binh sỹ này trong mùa dịch lên tới gần 32. Chính vì vậy, Murillo đã tìm đến một chuyên gia dinh dưỡng quân đội và bắt đầu thói quen tập thể dục nghiêm ngặt thông qua chương trình sức khỏe và thể hình toàn diện quân đội (H2F). Sau nhiều tháng chạy 1 tuần 2 lần từ 6 đến 8km/lần, thể trạng của Murillo đã quay trở lại như cũ. Chỉ số BMI của anh là 27 và nằm trong giới hạn của Bộ Quốc phòng.

Tăng cân trong mùa dịch không chỉ là vấn đề trong quân đội. Một cuộc khảo sát vào năm ngoái đối với người trưởng thành ở Mỹ cho thấy gần một nửa cho biết họ tăng cân sau năm đầu tiên COVID-19. Một nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ béo phì ở trẻ em gia tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)
Đến năm 2035, thế giới có trên một nửa dân số đối mặt với nguy cơ béo phì
Đến năm 2035, thế giới có trên một nửa dân số đối mặt với nguy cơ béo phì

Theo một báo cáo mới, đến năm 2035, trên một nửa dân số thế giới có thể bị thừa cân hoặc béo phì nếu không có hành động cụ thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN