Cựu Tổng thống Hosni Mubarak chết lâm sàng

Truyền thông Ai Cập đưa tin ông Mubarak chết lâm sàng sau khi được chuyển từ nhà tù tới một quân y viện ở Cairô tối 19/6 do bị đột quỵ. Tuy nhiên, một nguồn tin bệnh viện sau đó bác bỏ thông tin này, cho biết ông Mubarak đang hôn mê và hiện đang được điều trị tích cực.

 

Ông Hosni Mubarak lúc còn là Tổng thống Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Đài truyền hình quốc gia cho biết nhà chức trách sẽ sớm đưa ra thông báo chính thức về tình hình sức khỏe của ông ông Mubarak.

 

Ông Mubarak, 84 tuổi, bị chứng khó thở và suy nhược nghiêm trọng kể từ khi bị đưa vào tù ngày 2/6 để thụ án chung thân.

 

*Khủng hoảng chính trị Ai Cập có nguy cơ leo thang căng thẳng mới, khi cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống vòng hai đều tuyên bố chiến thắng, trong khi làn sóng biểu tình phản đối Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang cầm quyền (SCAF) diễn ra rầm rộ tại thủ đô Cairo.

 

Tại một cuộc họp báo ở Cairô ngày 19/6, phát ngôn viên của nhóm vận động tranh cử của cựu Thủ tướng Ahmed Shafiq tuyên bố ứng cử viên này đã giành chiến thắng với 51,5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử vòng hai, vượt qua đối thủ là ứng cử viên của tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Morsy. Trước đó, ngày 18/6, tổ chức Anh em Hồi giáo cũng tuyên bố ông Morsy đã thắng cử với 52,5% số phiếu. Ủy ban bầu cử Ai Cập kêu gọi hai ứng cử viên ngừng đưa ra các tuyên bố về kết quả bầu cử trước khi kết quả chính thức được công bố vào ngày 21/6 tới.

 

Giới phân tích cho rằng cho dù ứng cử viên nào giành thắng lợi, Ai Cập vẫn sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới do mâu thuẫn giữa phe Hồi giáo với hội đồng quân sự cầm quyền.

 

Ngày 19/6, khoảng 15.000 người tập trung tại quảng trường trung tâm Tahrir phản đối SCAF tìm cách duy trì quyền lực. Tổ chức Anh em Hồi giáo đã huy động hàng nghìn thành viên của tổ chức này từ các tỉnh thành đổ về Cairo để tham gia cuộc biểu tình. Người biểu tình hô các khẩu hiệu phản đối SCAF giải tán quốc hội cũng như sắc lệnh của Bộ Quốc phòng cho phép cảnh sát quân đội điều tra và bắt giữ thường dân.

 

Bất chấp việc SCAF giải tán quốc hội, nhiều nghị sỹ Ai Cập đã tổ chức một phiên họp tại quảng trường Tahrir đêm 19/6 sau khi cảnh sát ngăn họ vào tòa nhà quốc hội. Nghị sỹ Mohamed al-Beltagy thuộc Đảng Tự do và Công lý (FJP) của Anh em Hồi giáo tuyên bố SCAF không có quyền giải tán quốc hội và người dân Ai Cập đang chờ ứng cử viên Morsy tuyên bố chiến thắng.

 

Tuy nhiên, tổ chức Anh em Hồi giáo đang đối mặt với một thách thức mới sau khi luật sư Mohamed Shehata khiếu nại lên Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập yêu cầu giải tán tổ chức Anh em Hồi giáo. Đơn kiện của luật sư Sêhata cho rằng tổ chức Anh em Hồi giáo đã tiến hành bất hợp pháp các hoạt động chính trị và xã hội bất chấp việc bị cấm hoạt động chính trị từ năm 1954. Luật sư Sêhata khẳng định nhóm Hồi giáo lớn nhất Ai Cập này đã không tuân thủ đạo luật năm 2002 về chức năng của các tổ chức phi chính phủ, theo đó cấm các đảng chính trị hoạt động dựa trên tôn giáo. Ông Shehata yêu cầu đóng cửa các trụ sở và phong tỏa tài khoản ngân hàng của tổ chức Anh em Hồi giáo.

 

Luật sư Shehata là người đã tham gia vụ kiện dẫn đến việc giải tán Hội đồng Lập hiến đầu tiên do phe Hồi giáo chiếm đa số hồi năm ngoái. Dự kiến, Tòa án Hành chính tối cao sẽ mở phiên tòa về việc giải tán tổ chức Anh em Hồi giáo vào ngày 1/9 tới.

 

Theo Tuyên bố Hiến pháp sửa đổi do SCAF ban hành ngày 17/6, hội đồng quân sự được phép phủ quyết hiến pháp mới và được quyền can thiệp công việc điều hành của tổng thống. Động thái này gây dư luận chỉ trích SCAF đang tìm cách bám giữ quyền lực. Có tin SCAF đầu tuần này đã công bố quyết định thành lập Hội đồng Quốc phòng do Tổng thống làm chủ tịch, với các thành viên gồm Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang và 9 tướng lĩnh cấp cao quân đội, Chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng. Nhiệm vụ của hội đồng này là lãnh đạo và quản lý-kiểm soát công việc quốc phòng cũng như các hoạt động của SCAF.

 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng bày tỏ mong muốn hội đồng quân sự Ai Cập chuyển giao toàn bộ quyền lực cho một chính phủ dân sự, đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập cũng như cộng đồng quốc tế về việc thiết lập một thể chế nhà nước dân chủ, vững mạnh và đại diện cho nhân dân. Mỹ và Pháp cũng kêu gọi SCAF tuân thủ cam kết chuyển giao quyền lực theo đúng lịch trình.

 

TTXVN/Tin tức

Gia đình ông Mubarak có 40 biệt thự
Gia đình ông Mubarak có 40 biệt thự

Cơ quan chống thu nhập bất chính Ai Cập (IGA) vừa tiết lộ, ông Mubarak và gia đình sở hữu 40 căn biệt thự, hơn 147 triệu USD trong tài khoản của ông này, hơn 23 triệu USD trong tài khoản của người con trai cả Alaa và 15 triệu USD trong tài khoản của người con trai thứ Gamal.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN