Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha dẫn đầu cuộc bỏ phiếu kín bầu TTK LHQ

Ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu "khuyến khích" nhất trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên nhằm chọn ra TTK LHQ mới.

Một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh: UN

Ngày 21/7 các đại sứ của 15 nước thuộc Hội đồng bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành cuộc bỏ phiếu kín không chính thức để bầu chọn vị tân Tổng Thư ký (TTK) LHQ. Từng nước thành viên HĐBA chấm điểm cho từng ứng cử viên chạy đua vị trí tổng thư ký.

Phiếu bầu có ba lựa chọn là "khuyến khích", "không khuyến khích" và "không có ý kiến". Kết quả của cuộc bỏ phiếu đầu tiên không được công bố công khai, thay vào đó được thông báo cho các chính phủ những nước đã đề cử các ứng cử viên thay ông Ban Ki-moon vào tháng 1/2017.

Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại LHQ, các nguồn tin ngoại giao cho biết cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu "khuyến khích" nhất trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, tiếp theo là cựu Tổng thống Slovenia ông Danilo Turk.

Có ba ứng cử viên cùng đứng vị trí thứ ba là Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), cựu quyền Ngoại trưởng Bulgaria Irina Bokova, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Macedonia Srgian Kerim. Bà Bokova nhận được 9 "phiếu khuyến khích" - số phiếu cao nhất trong số các nữ ứng cử viên. Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), nguyên Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark xếp thứ tư còn cựu Ngoại trưởng Argentina Susanna Malcorra nhận được ít phiếu ủng hộ hơn.

Ông Antonio Guterres.

Ông Guterres, người của đảng Xã hội trung tả giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002 và giữ chức Cao ủy LHQ về người tị nạn cho đến cuối năm ngoái, nhận được 12 phiếu "khuyến khích" và không nhận phải phiếu "không có ý kiến" nào. Trong khi đó, ông Turk, người giữ chức đại sứ đầu tiên của Slovenia tại LHQ từ năm 1992-2000 và giữ chức trợ lý TTK LHQ phụ trách các vấn đề chính trị từ năm 2000-2005, nhận được 11 phiếu "khuyến khích", 2 phiếu "không khuyến khích" và 2 phiếu "không có ý kiến".

Ba ứng cử viên xếp cuối danh sách là Christiana Figueres của Costa Rica, quan chức LHQ đóng vai trò chủ chốt trong việc soạn thảo hiệp định lịch sử về chống biến đổi khí hậu vào tháng 12 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Moldova Natalia Gherman và Cựu Ngoại trưởng Montenegro Igor Luksic.

Có khả năng sẽ có thêm ứng cử viên tham gia cuộc đua chức tổng thư ký vì không có thời hạn chót cho việc đề cử. Theo quy định, tiến trình bầu chọn TTK diễn ra tại các cuộc bỏ phiếu kín của HĐBA và cơ quan nắm quyền lực cao nhất trong LHQ này sẽ đề cử ứng viên duy nhất để Đại hội đồng thông qua. Trước khi bước vào cuộc phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói: "Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hơn lúc nào hết chúng ta cần phải lựa chọn được vị lãnh đạo tốt nhất cho tổ chức mà ngày càng nhiều quốc gia trông cậy vào".

Theo dự kiến, HĐBA LHQ sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu không chính thức nữa vào tuần tới, tiếp theo là một số cuộc trong tháng 8 và có thể cả trong tháng 9 trước khi đưa ra kiến nghị trước Đại hội đồng vào tháng 10 tới.

TTXVN/Tin Tức
Bầu tổng thư ký Liên hợp quốc: Hy vọng từ những đổi thay
Bầu tổng thư ký Liên hợp quốc: Hy vọng từ những đổi thay

Trong tuần này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu kín đề bầu chọn tổng thư ký mới, thay thế ông Ban Ki-moon mãn nhiệm vào cuối năm nay. Hiện tại có 12 ứng cử viên cùng chạy đua vào vị trí này và thật khó để đánh giá trong số họ ai nặng ký hơn ai. Dù ai được lựa chọn vào “ghế nóng” cũng đều phải sẵn sàng cho những thay đổi trong một thế giới không ngừng vận động như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN