Cựu chỉ huy NATO đưa ra 'kịch bản Hàn Quốc' cho Ukraine

Theo vị tướng 4 sao đã nghỉ hưu của Mỹ, Ukraine đạt được hòa bình càng sớm thì quá trình tái thiết sẽ càng bắt đầu sớm.

Chú thích ảnh
Giao tranh giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp diễn và chưa có triển vọng ngừng bắn. Ảnh: Kyiv Post

Hãng thông tấn độc lập Ukraine UNIAN (unian.ua) dẫn lời cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu, James Stavridis, ngày 12/11 cho rằng, Ukraine nên theo "kịch bản Hàn Quốc" về việc kết thúc xung đột với Nga để bắt đầu đàm phán hiệp ước hòa bình. 

Trong một bình luận trên tờ Bloomberg, Tướng 4 sao đã nghỉ hưu Stavridis lưu ý rằng: Hàn Quốc đã chuyển đổi từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. Nhưng đây là cả một quá trình. Thập kỷ đầu tiên sau chiến tranh là thời kỳ trì trệ đối với Hàn Quốc, và chỉ có viện trợ và cải cách của phương Tây mới có thể đưa nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh.

Ông Stavridis gọi đây là bài học đầu tiên trong Chiến tranh Triều Tiên đối với Ukraine: Thúc ép phương Tây giúp đỡ nghiêm túc trong việc tái thiết. Một điểm tích cực nữa cho sự phục hồi của Ukraine là nguồn lực tiềm tàng với hàng trăm tỷ USD trong các quỹ của Nga đang chịu lệnh phong tỏa của phương Tây.

Bài học quan trọng thứ hai đối với Ukraine là có được sự đảm bảo an ninh vững chắc. Trong trường hợp này, đó là tư cách thành viên NATO. Điều này tương tự như cách Hàn Quốc được trao quy chế đối tác đầy đủ của Mỹ theo hiệp ước vào năm 1953.

Đáng chú ý là Tướng Stavridis, giống như cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, không thấy có vấn đề gì trong việc Ukraine có thể trở thành thành viên NATO mà không cần "giải phóng hoàn toàn các vùng lãnh thổ của mình". Ông cho rằng một cuộc chiến tiềm tàng giữa NATO và Nga chỉ có thể xảy ra khi có quyết định tập thể của tất cả 32 thành viên trong Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu, vì vậy cuộc chiến Nga - NATO sẽ không tự động nổ ra nếu Ukraine gia nhập NATO trước khi xung đột kết thúc.

Theo Tướng Stavridis, bài học thứ ba và cũng là cuối cùng từ Hàn Quốc đối với Ukraine là cần phải chấp nhận "ít nhất là trong một thời gian" với việc Nga "kiểm soát vùng Đông Nam". 

"Theo một nghĩa nào đó, mọi người sẽ không đồng tình với tình huống này. Nhưng hãy nhớ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không muốn như vậy - bởi vì khu vực này đã bị tàn phá nặng nề từ hậu quả của cuộc xung đột", ông Stavridis nhận định.

Cựu chỉ huy NATO ở châu Âu trên cũng tin chắc rằng ngay cả việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine cũng sẽ không thể vượt qua tình trạng bế tắc trên mặt trận, vì vậy “cuộc xung đột lớn càng chấm dứt sớm thì người Ukraine càng có cơ hội tiến hành tái thiết sớm".

"Nếu đạt được thỏa thuận như vậy, đây là dự đoán của tôi: mặc dù thực tế là Ukraine nhỏ hơn nhiều về dân số và diện tích lãnh thổ, nhưng trong vài thập kỷ nữa Ukraine sẽ vượt qua Nga về tổng sản phẩm quốc nội, tổng sản lượng nông nghiệp", ông Stavridis nêu quan điểm.

Trước đó cùng ngày cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đưa ra công thức của mình để Ukraine gia nhập NATO. Theo ông, Ukraine nên đi theo con đường của Đức, nước từng gia nhập NATO mà không có các vùng lãnh thổ phía Đông.

Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Ukraine chỉ trích gay gắt ý tưởng trên. Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Zelensky, cho rằng điều này chỉ khuyến khích Nga tiếp tục hành động. Theo quan điểm của ông Podolyak, Nga sẽ không dừng lại ở biên giới thông thường giữa vùng lãnh thổ "NATO" và "phi NATO" của Ukraine. 

Công Thuận/Báo Tin tức (unian.ua)
Tổng thống Ukraine muốn đàm phán trực tiếp với ông Trump
Tổng thống Ukraine muốn đàm phán trực tiếp với ông Trump

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất mong muốn đàm phán trực tiếp với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, phòng trường hợp ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa quay lại Nhà Trắng vào năm 2024, một nguồn tin nội bộ ở Kiev tiết lộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN