Cướp biển Somalia - 'khủng hoảng chồng khủng hoảng' đối với các tàu đi qua Biển Đỏ

Các cuộc tập kích của cướp biển Somalia đang ngày càng tạo thêm rủi ro và chi phí cho các công ty vận tải vốn dĩ phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa liên tục từ lực lượng Houthi của Yemen ở Biển Đỏ và các vùng biển lân cận.

Chú thích ảnh
Hải quân Ấn Độ bắt giữ một nhóm cướp biển trên Biển Arab năm 2011. Ảnh: EPA

Dẫn lời 5 đại diện của ngành vận tải biển, hãng tin nước ngoài cho biết kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay, nhóm cướp biển Somalia đã tiến hành hơn 20 vụ cướp không thành. Điều này đã đẩy giá thuê nhân viên bảo vệ có vũ trang và bảo hiểm đối với các tàu vận chuyển tăng cao, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phải trả tiền chuộc. Các quan chức ngành bảo hiểm cho biết phí bảo hiểm ngày càng đắt hơn đối với các chuyến đi qua Vịnh Aden và Biển Đỏ, khiến chi phí cho một chuyến đi 7 ngày thông thường tăng thêm hàng trăm nghìn USD. Nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng bảo vệ có vũ trang tư nhân cũng đẩy chi phí tăng cao. Các nguồn tin an ninh hàng hải cho biết, chi phí để thuê một đội trong 3 ngày đã tăng khoảng 50% trong tháng 2 so với tháng trước, từ 4.000 đến 15.000 USD.

Hai thành viên băng đảng Somalia tiết lộ họ đang lợi dụng sự sao nhãng của cộng đồng quốc tế do các cuộc tấn công của Houthi cách đó vài kilomet về phía Bắc để quay trở lại hoạt động sau khi “im ắng” gần một thập kỷ.

“Cướp biển chớp lấy cơ hội này vì lực lượng hải quân quốc tế hoạt động ngoài khơi Somalia đã giảm bớt hoạt động”, một nhà tài trợ cướp biển có bí danh Ismail Isse giải thích và nói thêm rằng ông ta đã giúp băng đảng này thực hiện một vụ cướp tàu hàng hồi tháng 12/2023.

Người đàn ông này đang sinh sống tại Hul Anod, một khu vực ven biển ở vùng bán tự trị Puntland phía Đông Bắc Somalia – nơi tàu hàng Ruen treo cờ Malta đã bị giam giữ trong nhiều tuần.

Mặc dù mối đe dọa từ băng đảng cướp biển Somalia không nghiêm trọng như thời kỳ 2008-2014 nhưng các quan chức khu vực và các nguồn tin trong ngành vẫn lên tiếng lo ngại tình hình có thể leo thang.

Tháng trước, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud tuyên bố: “Nếu chúng ta không ngăn chặn khi các cuộc tấn công vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng như trước đây”.

Hãng tin AFP đưa tin cuối tuần qua, Hải quân Ấn Độ đã đánh chặn và giải phóng tàu Ruen sau khi nó quay trở lại biển. Phái đoàn chống cướp biển của Liên minh châu Âu (EUNAVFOR Atalanta) cho biết cướp biển có thể sử dụng tàu hàng này để tấn công tàu hàng Abdullah của Bangladesh trên Ấn Độ Dương sau đó.

Theo lực lượng Hải quân Ấn Độ, toàn bộ 35 tên cướp biển trên tàu đã đầu hàng và 17 con tin được giải cứu mà không bị thương.

Cyrus Mody, Phó Giám đốc bộ phận chống tội phạm của Cục Thương mại Quốc tế Ấn Độ, cho biết việc triển khia ít nhất chục tàu chiến ở phía Đông Biển Đỏ của Hải quân Ấn Độ có thể có tác dụng răn đe quan trọng. “Sự can thiệp này có thể khiến các tay cướp biển cân nhắc về rủi ro và phải suy nghĩ lại về hành động tấn công”, ông Cyrus nói.

Tuyến đường thủy ngoài khơi Somalia là một trong những tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 20.000 tàu chở mọi hàng hoá từ đồ nội thất, quần áo đến ngũ cốc và nhiên liệu đi qua Vịnh Aden, Biển Đỏ và Kênh đào Suez - tuyến đường hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.

Cục Hàng hải Quốc tế cho biết vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2011, cướp biển Somalia đã thực hiện 237 vụ tấn công và bắt giữ hàng trăm con tin. Năm đó, nhóm giám sát Oceans Beyond Piracy ước tính các vụ tấn công của cướp biển Somali đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, trong đó có hàng trăm triệu USD tiền chuộc.

Các nhà quản lý rủi ro hàng hải và công ty bảo hiểm cho biết tỷ lệ tấn công hiện nay đã giảm đáng kể khi cướp biển chủ yếu nhắm vào các tàu nhỏ hơn ở những vùng biển ít được tuần tra hơn. Theo dữ liệu của EUNAVFOR, kể từ tháng 11/2024, băng đảng cướp biển này đã cướp thành công ít nhất 2 tàu chở hàng và 12 tàu cá.

Tuy nhiên EUNAVFOR cảnh báo các tay cướp biển có thể hoạt động xa hơn về phía Nam và phía Đông.

Theo nhận định từ các chuyên gia an ninh, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào về mối quan hệ trực tiếp giữa lực lượng Houthi và cướp biển Somalia, mặc dù nhà tài trợ Isse tiết lộ những tên cướp biển có thể học theo các cuộc tấn công của Houthi gần đây.

Để đối phó với các cuộc tấn công hơn một thập kỷ trước, các công ty vận tải biển đã tăng cường các biện pháp an ninh trên tàu và hải quân quốc tế đã tham gia các hoạt động do NATO, Liên minh châu Âu và Mỹ dẫn đầu. Có tới 20 tàu chiến từ 14 quốc gia tuần tra các tuyến hàng hải ở Vịnh Aden và Ấn Độ Dương 24/7.

Trên thực tế, các biện pháp này đã loại bỏ các cuộc tấn công của cướp biển. Nhưng khi mối đe dọa giảm bớt, các nước tham gia đã cắt giảm số lượng tàu chiến hoạt động.

EUNAVFOR, Bộ Ngoại giao Mỹ và Hải quân Anh cho biết họ cam kết giúp đỡ Somalia giải quyết nạn cướp biển, song không bình luận thêm liệu có bổ sung thêm nguồn lực hay không.

Bảo Hà
LHQ: Trên 7.000 người phải di dời ở miền Trung Somalia do lo ngại phiến quân al-Shabab
LHQ: Trên 7.000 người phải di dời ở miền Trung Somalia do lo ngại phiến quân al-Shabab

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 21/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết trên 7.000 người đã phải di dời trong 4 ngày tại bang Galmudug, miền Trung Somalia sau khi lực lượng chính phủ rút khỏi khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN