Cuộc khủng hoảng tàu chiến bị xiết nợ của Argentina

Bộ trưởng quốc phòng Argentina (Áchentina) Arturo Puricelli đã gửi điện cho những người đồng cấp của Chile, Uruguay, Paraguay, Bolivia, Venezuela, Brazil, Peru và Nam Phi đề nghị hợp tác với Buenos Aires trong nỗ lực giải cứu chiếc tầu hải quân bị bắt giữ để xiết nợ từ cách đây 2 tuần tại Ghana.


Chiếc tầu buồm Libertad- tầu huấn luyện và là biểu tượng của Hải quân Argentina- bị bắt giữ từ ngày 2/10 tại cảng Tema của Ghana, sau khi công ty NML Capital Ltd kiện chính phủ Argentina chưa thanh toán trái phiếu mà công ty này đã mua năm 2000.


Tàu Libertad tại cảng Tema của Ghana. Ảnh: AP


Trên tàu có hơn 300 người, trong đó có 15 học viên Chile, 8 học viên Uruguay và khách mời đến từ Venezuela, Paraguay, Nam Phi, Bolivia, Brazil và Peru.


Theo Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, tầu chiến được quy chế miễn trừ chủ quyền và vì vậy không bị khám xét hoặc bắt giữ để xiết nợ. Tuy nhiên, theo luật sư của NML Capital, Argentina đã từ bỏ quyền miễn trừ khi phát hành trái phiếu trên.


Buenos Aires đã bác bỏ nhận định này.


NML Capital khẳng định Argentina nợ công ty này hơn 300 triệu USD, chưa kể lãi suất. Trong khi đó, NML Capital bị Argentina tố cáo là một quỹ kền kền (chuyên mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi). Công ty này không chấp nhận tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ do chính phủ Argentina triển khai từ năm 2005 đến 2010, trong khi 93% những người mua trái phiếu đã tham gia.


NML Capital cho rằng Argentina có đủ dự trữ ngoại tệ (hiện ở mức 45 tỷ USD) để thanh toán nợ và sẵn sàng phóng thích tầu nếu Argentina nộp một khoản tiền bảo lãnh tối thiểu là 20 triệu USD. Bộ ngoại giao Argentina mới đây cho biết Buenos Aires sẽ không nhượng bộ, vì đây là vấn đề chủ quyền quốc gia chứ không đơn thuần là vấn đề tài chính.


Việc bắt giữ tầu gây thiệt hại đáng kể cho Argentina, vì các chuyên gia ước tính mỗi ngày phải bỏ ra 50.000 USD để trả tiền bến bãi, sinh hoạt phí, cung ứng hậu cần, chưa kể tiền thuê luật sư tại tòa.


Để giảm chi phí, không loại trừ khả năng Argentina đưa phần lớn đoàn thủy thủ và học viên về nước trong khi tiếp tục đàm phán với chính phủ Ghana và theo kiện tại tòa án ở quốc gia châu Phi này và tòa án quốc tế. Tuy nhiên, chiến dịch sơ tán không dễ dàng và cũng khá tốn kém, vì Argentina không thể điều được máy bay tới Ghana vì có nguy cơ cũng bị bắt nợ.


Hiện tại, hai quan chức cao cấp Argentina, gồm Thứ trưởng quốc phòng Alfredo Forti và Thứ trưởng ngoại giao Eduardo Zuain, đang có mặt tại Ghana để thảo luận với chính phủ nước này. Chính phủ Chile cũng đã cử Tùy viên hải quân tại Anh Ronald Mc Intyre tới Ghana để đàm phán.


Trong những ngày gần đây tại Argentina đã có nhiều tranh luận về ai có trách nhiệm trong việc cử tàu tới Ghana, nơi Argentina không có đại sứ quán thường trực và quốc gia châu Phi này đang trong thời điểm chính trị nhạy cảm, vì Tổng thống đương nhiệm John Atta Mills vừa mất cách đây hơn 2 tháng do ung thư và cuối năm nay có bầu cử tổng thống.


Hành trình của tàu trong chuyến đi huấn luyện năm nay (Nguồn: Hải quân Argentina).


Ngày 15/10, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Argentina, đô đốc Carlos Alberto Paz, đã từ chức. Theo báo chí, ông này có trách nhiệm liên đới trong việc đưa Ghana vào danh sách điểm đến gần như vào phút chót thay Nigeria trong chuyến công du tới châu Phi lần này.


Cùng ngày, Bộ quốc phòng Argentina đã ra quyết định đình chỉ chức vụ đối với Tổng thư ký Hải quân, đô đốc Luis María González Day, và cựu Trưởng ban tổ chức và học thuyết của quân chủng này, Alfredo Mario Blanco, người bị cáo buộc đã thay đổi hành trình của tầu.


Tàu Libertad -từng được phong là Đại sứ danh dự của Argentina- cho đến nay đã thực hiện 43 chuyến huấn luyện, thăm khoảng 60 nước và thả neo tại hơn 400 cảng ở nước ngoài. Tàu bị bắt giữ khi đang đưa học viên đi thực tế tại Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi.


Tàu rời cảng Buenos Aires hôm 2/6 và theo dự kiến khi xuất phát là kết thúc chuyến vượt đại dương này vào ngày 8/12.



Quang Sơn


Argentina không nhân nhượng vụ bắt tầu chiến xiết nợ
Argentina không nhân nhượng vụ bắt tầu chiến xiết nợ

Chính phủ Argentina ngày 11/10 khẳng định sẽ không lùi bước trước “đòn tấn công” của các quỹ kền kền sau phán quyết của Tòa án thương mại Accra (Ghana), đưa ra cùng ngày cho rằng việc bắt giữ chiếc tầu chiến Libertad tại cảng Tema của quốc gia châu Phi này để xiết nợ là “hợp pháp”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN