Cuộc đua giành ghế Giám đốc điều hành IMF: Châu Á - Điểm xuất phát và đích đến

Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde ngày 8/6 bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm kiếm thêm lá phiếu ủng hộ trong cuộc đua này. Sau Braxilia (Braxin), Bắc Kinh là điểm đến quan trọng để bà Lagarde thể hiện quyết tâm "không chỉ là Giám đốc IMF của riêng châu Âu".

Khởi động chiến dịch tranh cử vào chiếc ghế quyền lực nhất IMF bằng chuyến công du tới Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga - 4 nước thuộc Nhóm BRICS (gồm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới), mục tiêu đầu tiên mà nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp hướng tới là xoa dịu những lo ngại của các quốc gia đang nổi về việc châu Âu sẽ tiếp tục gánh vác trọng trách chèo lái IMF. Kể từ khi thành lập đến nay, cả 10 giám đốc điều hành của quỹ tiền tệ đa phương lớn nhất thế giới này đều đến từ châu Âu. Vài năm trở lại đây, những nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã công khai đòi xóa bỏ thông lệ này, và thời điểm hiện nay chính là cơ hội vàng để các nền kinh tế đang trỗi dậy tranh chức Giám đốc điều hành IMF do chiếc ghế quyền lực này bất ngờ bị bỏ trống sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức vì những cáo buộc tấn công tình dục.

Nhưng...

Châu Á im lặng

Trái ngược với không khí sục sôi ở hai châu lục Mỹ và Âu, châu Á cho đến thời điểm này vẫn im lặng, đồng nghĩa với việc họ tự rút khỏi cuộc chơi và đợi 5 năm nữa để lật đổ quyền thống trị của châu Âu tại IMF.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, theo một thỏa thuận bất thành văn giữa châu Âu và Mỹ, người đứng đầu IMF là người châu Âu còn người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) là người Mỹ. Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng châu Á sẽ bắt đầu kỷ nguyên của mình với việc lần đầu tiên ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo IMF. Nhưng trái với mọi dự đoán, sự ra đi sớm của ông Strauss-Kahn lại không nhận được sự sốt sắng của các quốc gia mới nổi ở châu Á. Sự im lặng này không phải không có lý do.

Bà Christine Lagarde (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Niu Đêli ngày 7/6. Ảnh: AFP-TTXVN

Đạt được đồng thuận chưa bao giờ là một việc dễ dàng đối với châu Á, khu vực rất chênh lệch về phát triển kinh tế, đa dạng về văn hóa và khác biệt về thể chế chính trị. Một số nước châu Á có ý định đưa người ra ứng cử, nhưng họ không suy nghĩ về vấn đề này ở cấp độ khu vực. Ví dụ, Trung Quốc và Ấn Độ đều là thành viên BRICS, nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước khiến họ khó đạt được sự đồng thuận về một ứng viên duy nhất. Hay với Nhật Bản, nước có quyền bỏ phiếu lớn thứ hai sau Mỹ tại IMF, việc ủng hộ một ứng viên châu Á bên ngoài nước Nhật sẽ khiến họ tự ái khi phải thừa nhận tầm ảnh hưởng ngày càng giảm của mình. Do vậy, Tôkyô chọn cách im lặng.

Đối lập với một châu Á chia rẽ là tinh thần đoàn kết của các nước châu Âu, thể hiện qua việc họ nhanh chóng lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Pháp đảm nhận cương vị đứng đầu IMF. Ngay khi xảy ra vụ Strauss-Kahn, châu Âu đã bắn tin sẽ không từ bỏ chiếc ghế mà theo truyền thống vẫn do họ nắm giữ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Phản ứng của châu Âu cho thấy trước mắt, châu Á khó có thể toại nguyện trong ý định lên lãnh đạo IMF, cho dù sức mạnh kinh tế của châu lục này ngày càng trở nên quan trọng.

Bên cạnh đó, thách thức lớn hiện nay của IMF là xử lý cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Thực tế này đòi hỏi một người cầm trịch giàu kinh nghiệm, có uy tín và ảnh hưởng quốc tế. Hiện nay, chỉ có ứng cử viên châu Âu mới hội đủ các điều kiện đó.

Không có nghĩa là bỏ qua

Dù không trực tiếp tham gia cuộc đua ở IMF, các nền kinh tế mới nổi vẫn khẳng định quan điểm vị trí lãnh đạo IMF phải được bầu dựa trên tiêu chí năng lực, chứ không quan trọng quốc tịch nào. Để trấn an mối quan ngại này, ứng cử viên châu Âu Lagarde đã lên đường công du Braxin, Trung Quốc và một số quốc gia khác trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Tại thủ đô Braxilia của Braxin, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du, Bộ trưởng Tài chính Pháp cam kết tiếp tục thúc đẩy cải cách bộ máy lãnh đạo IMF nhằm tăng cường tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi. Quá trình này đã được bắt đầu dưới thời Strauss-Kahn, khi IMF quyết định tăng quyền biểu quyết cũng như số ghế của nhóm nước đang trỗi dậy trong ban lãnh đạo vào cuối năm 2012, theo đó hơn 6% quyền biểu quyết tại IMF sẽ được chuyển sang các nước đang phát triển, như Trung Quốc - nước theo đó sẽ có tiếng nói lớn thứ 3 tại định chế này.

Bà Lagarde hy vọng chuyến đi sẽ mang lại sự hậu thuẫn từ các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ở mỗi khu vực sẽ giúp bà nhận được sự ủng hộ của các nước đang phát triển và giảm bớt sự bất mãn đối với việc người châu Âu tiếp tục đứng đầu IMF.

Thông lệ khó bỏ

Đối thủ trực tiếp của bà Lagarde trong cuộc tranh cử lần này là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mêhicô Agustin Carstens, người từng giữ chức Phó Giám đốc điều hành IMF trong nhiều năm. Khác với lâu nay khi việc bầu chọn người đứng đầu IMF thường diễn ra thống nhất, giờ đây đã có sự hiểu biết chung rằng người kế nhiệm ông Strauss-Kahn không nhất thiết phải là người châu Âu. Tuy vậy, châu Âu sẽ cố giữ bằng mọi giá chiếc ghế này vì không có IMF, châu Âu sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc giải cứu các thành viên khu vực đồng tiền chung euro bị khủng hoảng. Chưa kể phe các nước phát triển hiện vẫn nắm giữ tới 57% số phiếu tại IMF. Mỹ với 16,8% số phiếu sẽ đóng vai trò quyết định trong lần bỏ phiếu dự kiến diễn ra trước ngày 30/6, mà từ trước tới nay chưa lần nào Mỹ không đứng về phía châu Âu.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng rút ra rằng những ai đang nắm giữ quyền lực đều không muốn buông nó, do đó cuộc đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng hơn, gồm cả việc quản lý các tổ chức toàn cầu như IMF, WB và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ vẫn là một chặng đường dài.

Nguyệt Ánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN