Cuộc chiến khí đốt: Nga cứng rắn, EU không vừa

Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang mở các cuộc tiếp xúc với một loạt các đối tác cung cấp khí đốt ngoài Nga, không loại trừ cả Iran.

Phát biểu trước báo giới hôm 14/4, Cao ủy phụ trách vấn đề khí hậu và năng lượng EU, ông Miguel Arias Canete, bình luận: Nga – nước hiện cung cấp tới 30% lượng khí đốt cho EU, vẫn là một đối tác lớn. Nhưng ông cũng nói rằng EU đang nỗ lực củng cố các nguồn cung mới an toàn hơn, thông qua mạng đường ống có tên “Hành lang phương Nam” cũng như tìm đến những nhà xuất khẩu mới.

Dự án "Hành lang phương Nam" mà EU đang theo đuổi. Ảnh: Stratfor


“Đối với chúng tôi, ưu tiên lúc này là ‘Hành lang phương Nam’. Chúng tôi đang dồn mọi nỗ lực để đưa toàn bộ dự án này đi vào vận hành. Nó sẽ kết nối các đầu mối cung cấp từ Azerbaijan và trong tương lai có thể là Iran, một khi đạt được thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran”, ông Canete nói với các phóng viên sau cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng – Môi trường các nước thành viên EU.

Do căng thẳng trong quan hệ với Nga liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, từ cuối năm 2014 EU đã hướng sự chú ý sang “Hành lang phương Nam” để thay thế “Dòng chảy phương Nam” (đã bị dừng) cũng như “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đang trong giai đoạn phôi thai. Theo dự kiến, những dòng khí đốt đầu tiên sẽ được vận chuyển vào năm 2019 – cũng là thời điểm mà Nga nói là sẽ chấm dứt ngừng cấp khí đốt cho châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

 “Hàng lang phương Nam” được xem là siêu dự án, có tổng mức đầu tư lên tới hơn 40 tỉ USD, cung cấp khí đốt từ biển Caspie, vòng qua Nga tới các nước thành viên EU. Nó kết nối ba hệ thống con gồm “Dòng trắng” (tuyến đường ống Gruzia - Ukraine - EU), tuyến đường ống xuyên biển Adriatic đưa khí đốt từ Azerbaijan qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp và Ý, và dự án Nabucco (đường ống Thổ Nhĩ Kỳ - Áo). Những đối tác cung cấp khí đốt chính cho EU qua “Hành lang phương Nam” gồm Azerbaijan, Turkmenistan, Gruzia, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ai Cập và có thể là cả Iran và Uzbekistan.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Khi được hỏi về phản ứng của EU trước dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà Nga đang theo đuổi, quan chức này bình luận: “Phía Nga có nói là sẽ không vận chuyển khí đốt qua biên giới Ukraine… Họ yêu cầu chúng tôi thực hiện các dự án hạ tầng lớn để đấu nối. Chúng tôi không làm vậy. EU sẽ cho xây dựng các cơ sở hạ tầng khí đốt ở Đông Nam châu Âu, các trạm trung chuyển đặt trên biên giới Bulgaria – Hy Lạp, Bulgaria - Serbia có khả năng cung cấp ngược trở lại cho các nước khác”.

Ông Canete cũng cho biết, EU sẽ có các cuộc tiếp xúc với phía Algeria, Canada, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm nguồn cung mới. Không những vậy, EU cũng sẽ cho công bố một chiến lược mới về khí hóa lỏng (LNG), xem đó như là nguồn năng lượng thay thế.

Những tuyên bố trên đây được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nga hối thúc châu Âu đưa ra quan điểm rõ ràng về “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Phát biểu tại Berlin, Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom (Nga) Alexander Miller nói rằng Nga sẽ ngừng chuyên chở khí đốt qua Ukraine sau năm 2019, đồng thời hối thúc EU sớm xây dựng hạ tầng để đấu nối vào tuyến đường ống đặt ở biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Miller cảnh báo, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu như ai đó có ý định cản phá “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Gazprom sẵn sàng bán khí đốt sang các thị trường khác, ví dụ như Trung Quốc, một khi phía EU không đáp ứng được các điều kiện. Lãnh đạo tập đoàn này còn ngụ ý rằng, dù có cố gắng đến mấy trong việc đa dạng hóa nguồn cung, châu Âu vẫn sẽ phải tìm kiếm hợp đồng với Gazprom.


Hoài Thanh (Theo Moscowtimes, Euobserver)

Ép châu Âu thuận theo ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’: Nga không nói chơi
Ép châu Âu thuận theo ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’: Nga không nói chơi

Moskva sẽ ngừng trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine sau năm 2019, đó là tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN