Cuộc chiến giữa Tổng thống Poroshenko và trùm tài phiệt Ukraine

Chấm dứt quyền lực “phá hoại” của các tỉ phú bám rễ sâu vào nền chính trị Ukraine là một mục tiêu mà “Cách mạng nhân phẩm” hồi năm ngoái nêu ra. Thế nhưng, chưa có gì cho thấy các trùm tài phiệt chịu lùi bước.

Ngay trước khi tỉ phú chocolate Poroshenko trở thành Tổng thống (7/2014),  trùm tài phiệt Igor Kolomoisky (tổng tài sản 1,3 tỉ USD) đã được bổ nhiệm là thống đốc vùng Dnipropetrovsk.  Giờ đây, hai người nổi tiếng là giàu có này lại công khai đối đầu, hứa hẹn một tương lai không mấy tốt đẹp cho Ukraine.

Trùm tài phiệt Igor Kolomoisky. Ảnh: Reuters


Kolomoisky nổi lên như người hùng thời kì hậu Maidan. Để giữ Dnipropetrovsk trước các cuộc tấn công của quân ly khai, tỉ phú này đã “hào phóng” bỏ tiền ra chiêu mộ và nắm quyền điều hành nhiều tiểu đoàn tiễu phạt. Thế nhưng, ông Kolomoisky không phải là người chỉ biết nghĩ cho người khác. Chính tỉ phú này đã có các bước vận động hành lang rất mạnh để có thể chen chân vào các lĩnh vực do các trùm tài phiệt khác - nổi bật là Rinat Akhmetov (tài sản ước tính 6,7 tỉ USD) và Viktor Pinchuk (tài sản 1,5 tỉ USD) chi phối.

Thống đốc vùng Dnipropetrovsk được cho là “muốn” giúp sức chính phủ chống ly khai và đổi lại nhận được cơ hội mở rộng đế chế kinh doanh. Ông cũng tiếp tục củng cố quyền lực tại một số tập đoàn quốc doanh thông qua “cài cắm” một số nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo dưới thời chính quyền cũ. Một trong số này là Ukrtransnafta, tập đoàn vận hành đường ống dầu khí Ukraine. Tại đây, Kolomoisky đã gây dựng được một người tin cẩn, Oleksandr Lazorko – người trở thành giám đốc điều hành vào năm 2009. 

Ông Poroshenko hiện vẫn là một trùm tài phiệt, vì lời hứa sẽ bán hết quyền sở hữu tại đế chế bánh kẹo khi trở thành Tổng thống vẫn chưa thành hiện thực. Giới phân tích nhận định, tầm ảnh hưởng và quyền lực của Kolomoisky gây ra mối đe dọa chính trị với Tổng thống Ukraine. Mustafa Nayyem, một luật sư thuộc Khối Poroshenko nói rằng, Kolomoisky quá ham muốn việc điều hành các “con rối” và giới kĩ trị bắt đầu lo sợ ông ta.

Hôm thứ Năm tuần trước, chính quyền Kiev quyết định sa thải Lazorko và bổ nhiệm Yury Miroshnyk, Giám đốc điều hành mới tại Ukrtransnafta, thế nhưng Lazorko chẳng chịu rời đi. Các vệ sĩ đã phải vất vả mới vượt qua được hàng rào an ninh để đưa vị lãnh đạo mới vào trong nhiệm sở. Phản ứng của Kolomoisky là rất quyết đoán. Ông này chiếm trụ sở Ukrtransnafta, đi cùng là nhiều tay súng bịt mặt, đoàn tùy tùng với nhiều luật sư.

Các phần tử vũ trang bịt mặt đột nhập trụ sở Ukrtransnafta. Ảnh: Kyiv Post


Bộ trưởng Năng lượng Vladimir Demchishin lập tức tới hiện trường và đàm phán với Kolomoisky. Có vẻ như ông cố tìm cách đưa ra lời giải thích, thuyết phục trước trùm tài phiệt này, bằng chứng là Demchishin đã không yêu cầu cảnh sát can thiệp giải phóng tòa nhà. Sevgil Musaeva, biên tập viên tờ Pravda (Ukraine) tiết lộ, chính Kolomoisky đã nói với Demchishin nếu cần, ông ta có thể huy động và đưa 2.000 tay súng tiễu phạt tới Kiev với lý do “các nhà máy đang bị tước đoạt”. Các nhà máy ở đây có nghĩa là Ukrtransnafta và Ukrnafta – một công ty nhà nước khác mà ở đó Kolomoisky nắm quyền điều hành. Hôm 19/3, Quốc hội Ukraine thông qua một đạo luật về công ty liên doanh, theo đó ông Kolomoisky sẽ không còn nắm quyền kiểm soát tại Ukrnafta.

Tổng thống Poroshenko sẽ có ít lý do để loại Kolomoisky khỏi vị trí thống đốc. Ngay cả khi bị mất chức, với tài sản và ảnh hưởng đối từ các tiểu đoàn tiễu phạt, vị tỉ phú vùng Dnipropetrovsk vẫn là một nhân vật đầy quyền lực. Là một doanh nhân lọc lõi, Kolomoisky thừa khôn ngoan để hiểu rằng không thể và không nên làm một cuộc đảo chính quân sự. Thế nhưng ông sẽ quyết không để Poroshenko - người mới hơn một năm trước đây còn ở thế “ngang cơ”, tước bỏ mọi quyền lợi. Ukraine vì thế vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh đất nước bị các trùm tài phiệt chi phối về chính trị, vốn tồn tại trong nhiều năm qua.


Hoài Thanh (Theo Kyiv Post, R.I)


Những tài phiệt đang 'bơm tiền' cho khủng hoảng Ukraine
Những tài phiệt đang 'bơm tiền' cho khủng hoảng Ukraine

Adrian Karatnycky, Henadiy Boholyubov và Sergey Kurchenko... là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn và đôi khi được gọi là “đầu sỏ chính trị” đóng vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN