Cuộc bầu cử tiềm ẩn nhiều bất ngờ

Hơn 192 triệu cử tri trên cả nước Indonesia ngày 17/4 sẽ tham gia bầu các vị trí tổng thống, phó tổng thống và trên 20.000 đại biểu hội đồng nhân dân các cấp của nước này.

Chú thích ảnh
Văn phòng Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 245.000 ứng cử viên đại diện cho 6 đảng phái chính trị trên cả nước. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Indonesia tổ chức bầu cử đồng thời các chức danh tổng thống, phó tổng thống và các thành viên của cơ quan lập pháp các cấp. Các nhà quan sát đánh giá đây là cuộc bầu cử quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới, bởi các cử tri sẽ phải lựa chọn không chỉ 2 vị trí tổng thống và phó tổng thống, mà còn phải lựa chọn thêm 4 cấp đại diện lập pháp khác nhau trong cùng một thời điểm bỏ phiếu. Như vậy, mỗi cử tri trung bình sẽ phải chọn ra các ứng cử viên trong tổng số 400-500 ứng cử viên được đề cử trong 5 lá phiếu bầu riêng biệt.

Cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống nhiệm kỳ 2019-2024 cũng được cho là "màn tái đấu" giữa hai ứng cử viên quen thuộc từng là đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2014: một bên là Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và người liên danh tranh cử chức phó tổng thống, giáo sĩ Maruf Amin, Chủ tịch Hội đồng Ulama Indonesia (MUI) và là cựu lãnh đạo tối cao tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia Nahdlatul Ulama (NU); bên kia là cựu tướng quân đội  Prabowo Subianto, người có quan hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị, thành viên đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) cùng người đồng hành Sandiaga Uno, cựu Phó Thống đốc Jakarta và là một doanh nhân thành đạt.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Indonesia tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hơn 5% trong 5 năm qua, thấp hơn mức kỳ vọng của người dân. Quốc gia "vạn đảo" với hơn 260 triệu dân này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như kinh tế trì trệ, chênh lệch khoảng cách giàu-nghèo và chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền có xu hướng tăng lên. Bởi vậy mà kinh tế là trọng tâm của chiến lược tranh cử.

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, cả hai ứng cử viên đều hướng mạnh vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra các phúc lợi xã hội lớn hơn, đồng thời cam kết về một chính phủ trong sạch và minh bạch.

Đương kim Tổng thống Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, đưa ra các kế hoạch cải cách sâu hơn trong các lĩnh vực khác nhau để tăng cường hiệu suất phát triển của Indonesia, từ việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ công nghệ kỹ thuật số và phát triển kinh doanh.

Đặc biệt, ông đưa ra ý tưởng sẽ tạo ra các trung tâm tăng trưởng kinh tế mới dưới hình thức các khu công nghiệp nhỏ và đặc khu kinh tế như một phần trong nỗ lực để đạt được công bằng trong nước. Ông Jokowi đặt mục tiêu đưa Indonesia phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm cho hàng triệu người, đặc biệt là lớp trẻ và sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

Trong khi đó, ứng cử viên Prabowo Subianto thách thức con đường của đương kim Tổng thống Jokowi và cho rằng Indonesia đang đi sai hướng khi chỉ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, kết quả là ngành công nghiệp bị tụt hậu. Theo ông, các cách tiếp cận về thuế cũng như phát triển kinh doanh đã khiến Indonesia mất thu nhập.

Tuy nhiên, ứng cử viên này không cụ thể hóa cách khắc phục, ngoài việc hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế đối với các công ty và cá nhân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm trong nước thông qua các chính sách thay thế nhập khẩu, khôi phục trợ cấp xăng dầu đã bị ông Jokowi bãi bỏ và tăng sử dụng năng lượng tái tạo.

Tổng cộng hai ứng cử viên đã tiến hành tranh luận trực tiếp 5 lần về nhiều vấn đề khác nhau, thể hiện nhiều quan điểm trái ngược. Đơn cử như trong vấn đề quốc phòng-an ninh và quan hệ quốc tế. Trong khi ông Joko Widodo nhấn mạnh năng lực của Indonesia trong việc hòa giải một số cuộc xung đột quốc tế và sức mạnh ngoại giao mềm của Indonesia trong một số cuộc đàm phán thương mại quốc tế, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng của quân đội Indonesia (TNI) trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước, thì ông Prabowo Subianto cho rằng khả năng phòng thủ của Indonesia còn yếu và cần tăng cường hơn nữa, trước hết là tăng cường ngân sách quốc phòng để củng cố sức mạnh khiến các quốc gia khác tôn trọng Indonesia hơn.

Trước thềm bầu cử, kết quả của 40 cuộc thăm dò dư luận do 20 tổ chức khác nhau tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ cặp ứng cử viên Jokowi và Maruf Amin chiếm 50-60%, trong khi tỷ lệ người ủng hộ cặp đôi Prabowo và Sandiaga là 30-40%.

Liên minh ủng hộ Tổng thống Jokowi bao gồm 9 đảng chính trị, chiếm 52% số ghế trong hạ viện. Cặp ứng cử viên này còn được sự hậu thuẫn của các đảng chính trị mới. Bên cạnh đó, bà Yenny Wahid, con gái cựu Tổng thống Abdurrahman Wahid và hiện là lãnh đạo tổ chức Nahdlatul Ulama (NU) – tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia, đã tuyên bố ủng hộ cặp đôi Tổng thống Jokowi và Maruf Amin trong cuộc bầu cử này. 

Cặp số 2 Prabowo Subianto-Sandiaga Uno được sự ủng hộ của 5 đảng cùng các cựu tướng lĩnh và sỹ quan quân đội nghỉ hưu. Các tổ chức tôn giáo cực đoan (các giáo sỹ trong Phong trào Bảo vệ Hội đồng Giáo sỹ (GNPF) và các thành viên trước đây của phong trào 212, tổ chức Diễn đàn người dân Hồi giáo (FUI)... đều tuyên bố đứng về phía cặp liên danh tranh cử này.

Ông Jokowi có được sự ủng hộ của nhiều cử tri Hồi giáo. Một cuộc khảo sát của nhà bầu cử Indikator Politik Indonesia có trụ sở tại Jakarta cho thấy khả năng các cử tri Hồi giáo năm nay bầu cho ông Jokowi cao hơn so với cuộc bầu cử năm 2014. Theo kết quả khảo sát, uy tín của cặp Jokowi-Maruf trong số người Hồi giáo đạt 50,9% so với đối thủ Prabowo-Sandiaga đạt 41,6%.

Ngoài ra, phần đông số dân thành phố (chiếm tới 52-54% số cử tri), được dự báo sẽ bỏ phiếu cho đương kim Tổng thống Jokowi. Ông cũng nhận được sự ủng hộ của các nhóm thiểu số, người có giáo dục và tầng lớp cư dân nông thôn (chiếm 50 % dân số Indonesia). Mặt khác, với đa số ghế trong quốc hội và nắm giữ các vị trí trọng trách trong nội các, đảng Dân chủ đấu tranh của ông Jokowi hiện vẫn là đảng nắm quyền chi phối chính trường Indonesia.

Như vậy, ông Jokowi đang giành lợi thế hơn đối thủ của mình. Tuy nhiên, trong những ngày sát thời điểm quan trọng nhất, đã có sự thay đổi khi khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ hai cặp ứng cử viên có phần thu hẹp lại. Một bộ phận cử tri là viên chức đang làm việc trong bộ máy Chính phủ Indonesia - những người được đánh giá là có ảnh hưởng rất lớn - có khuynh hướng chính trị khác biệt và không ủng hộ ông Jokowi. Bên cạnh đó, số người lưỡng lự trong lựa chọn cũng chiếm tỷ lệ lớn và có thể khiến tình thế đảo ngược ở thời điểm bỏ phiếu quyết định. Việc nhiều cử tri không tham gia bỏ phiếu cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả.

Bất kể ai là người chiến thắng, người dân Indonesia đều mong muốn được chứng kiến những kế hoạch chiến lược và hành động cụ thể để đưa quốc gia "vạn đảo" thoát khỏi sự đình trệ kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Người dân cũng hy vọng về một chính phủ tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giá cả các mặt hàng cơ bản được giữ ở mức ổn định, phải chăng, đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho mọi người dân.

Đỗ Quyên (Phóng viên TTXVN tại Indonesia)
Hai cặp ứng cử viên tranh luận trực tiếp lần cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức ở Indonesia
Hai cặp ứng cử viên tranh luận trực tiếp lần cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức ở Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tối 13/4 đã diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ 5 và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng của hai cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống Indonesia, trước khi các cử tri nước này chính thức bước vào cuộc bỏ phiếu ngày 17/4 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN