CSIS công bố một căn cứ tên lửa bí mật mới của Triều Tiên

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ, ngày 15/2 đã cung cấp thông tin về một căn cứ tên lửa khác của Triều Tiên, mà theo tổ chức này không được chính quyền Bình Nhưỡng công bố.

Theo CSIS, căn cứ tên lửa Sangnam-ni, nằm cách khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên khoảng 250 km về phía Bắc, được trang bị với tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-10 với tầm bắn hơn 3.000 km.

Đây là thông tin mới nhất về các căn cứ tên lửa bí mật mà CSIS có được tại Triều Tiên. Kể từ cuối năm 2018, CSIS đã tiết lộ khoảng 20 căn cứ tên lửa không được công bố của quốc gia châu Á này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 12/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mới nhất được đưa ra khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội, nhằm thảo luận về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của chính quyền Bình Nhưỡng, đổi lấy những đảm bảo về an ninh từ Washington.

Báo cáo của CSIS nêu rõ: "Căn cứ dường như sẽ không là chủ đề trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Một vài ý kiến cho rằng Triều Tiên không có nghĩa vụ phải công bố các căn cứ tên lửa đang hoạt động này. Tuy nhiên, 10 nghị quyết hiện hành của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó có nghị quyết mới nhất 2397 đã cấm Triều Tiên phát triển và thử tên lửa đạn đạo".

Theo báo cáo trên, đơn vị tên lửa tại căn cứ này là một phần quan trọng trong cái được cho là chiến lược tên lửa đạn đạo tấn công của Triều Tiên, cung cấp "khả năng tấn công đòn thứ nhất (bằng vũ khí hạt nhân) ở cấp độ chiến lược" chống lại các mục tiêu trên khắp Đông Á, bao gồm các căn cứ lớn của Mỹ tại Okinawa và có thể cả ở Guam.

Tuy nhiên, CSIS cũng nhấn mạnh rằng mọi thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh dẫn tới việc dỡ bỏ bãi thử thử tên lửa duy nhất tại Dongchang-ri, điều mà Triều Tiên cũng đã cam kết thực hiện, "sẽ giảm bớt mối đe dọa quân sự hiện hữu đối với các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc xuất phát từ căn cứ tên lửa này cũng như các căn cứ tên lửa đạn đạo không được công bố khác".

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/2 tuyên bố ông không vội vàng phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông chỉ không muốn chính quyền Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump bày tỏ hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un trong 2 ngày 27 - 28/2 tại Việt Nam sẽ "thành công" như cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018.

Ông nêu rõ: "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ may mắn như những gì đã diễn ra tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên. Tôi không vội vàng. Tôi chỉ không muốn các vụ thử (hạt nhân và tên lửa).    

Ngoài ra, đề cập tới các lệnh trừng phạt quốc tế mà Triều Tiên mong muốn được dỡ bỏ, Tổng thống Trump khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ được duy trì. Ông Trump cho biết Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi đó Trung Quốc và Nga ít nhất cũng đã thực thi một phần các biện pháp trừng phạt về thương mại đối với Bình Nhưỡng.

Ông Trump cho rằng Triều Tiên  từng lợi dụng Mỹ trong quá khứ khi nhận "hàng tỷ USD", đổi lấy cam kết phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, "ông chủ Nhà Trắng" khẳng định lần này "chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra".

Thanh Phương (TTXVN)
Hàn Quốc và Mỹ tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên
Hàn Quốc và Mỹ tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên

Ngày 11/2, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan tại thủ đô Washington (Mỹ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN