COVID-19 tới 6 giờ sáng 23/2: Mỹ trên nửa triệu ca tử vong; Anh nới lỏng phong tỏa

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 264.229 trường hợp mắc COVID-19 và 5.875 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt 112,2 triệu ca bệnh. Mỹ quyết định treo cờ rủ để tưởng nhớ 500.000 đã thiệt mạng vì đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 3/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 112.232.700 ca, trong đó có 2.484.166 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 87.677.942 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.070.592 ca và 93.566 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 22/2, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu.

Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Xét theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận lần lượt 33.033.799 ca và 33.247.280 ca nhiễm. Tiếp đến là châu Á trên 24.552.803 ca nhiễm và Nam Mỹ với trên 17.636.000 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Washington, DC, Mỹ, ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các số liệu của AP, 1 năm sau khi Mỹ xác nhận ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-COV-2, số người tử vong vì virus này tại Mỹ đã vượt mốc 500.000 người, cao hơn con số của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Ngày 22/2, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden sẽ ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang nhằm tưởng niệm 500.000 người dân Mỹ đã tử vong vì đại dịch COVID-19.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết việc treo cờ rủ sẽ diễn ra trong 5 ngày và Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu toàn quốc từ Nhà Trắng trước khi cùng phu nhân Jill Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và chồng là Doug Emhoff  tham dự buổi lễ tưởng niệm và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân COVID-19.

Đây sẽ là lễ tưởng niệm nạn nhân COVID-19 lần thứ hai mà ông Biden tổ chức kể từ khi lên nắm quyền. Một ngày trước khi nhậm chức, ông Biden đã tham dự lễ thắp ánh sáng tại Đài tưởng niệm Lincoln để vinh danh những người thiệt mạng vì COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy, ngày 27/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, hàng trăm nghìn học sinh Đức đã được quay trở lại trường học sau hai tháng nghỉ học nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch. Các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ đã được mở cửa trở lại tại 10 khu vực của Đức, trong đó có thủ đô Berlin và bang đông dân nhất của nước này North-Rhine Westphalia.

Hầu hết các trường đều hạn chế việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 quay trở lại trường học. Sĩ số lớp cũng giảm 50%, và các học sinh đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đeo khẩu trang và mở cửa lớp học. Dù các trường học tại 10 bang của Đức đã được mở cửa trở lại, nhưng nước này đã gia hạn các hạn chế ngăn ngừa dịch bệnh đến ngày 7/3. Dự kiến, các cửa hàng tóc cũng sẽ được mở cửa trở lại vào tuần tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một bệnh nhân tại Berlin ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Angela Merkel dự định đưa ra một chiến lược thận trọng để dần mở cửa lại nền kinh tế - xã hội ở Đức. Việc mở cửa phải được thực hiện một cách linh hoạt và đồng bộ với việc mở rộng quy mô xét nghiệm.  

Theo đó, Đức sẽ dần thực hiện nới lỏng hạn chế ở 3 lĩnh vực, thứ nhất là các tiếp xúc cá nhân; thứ hai là ở các trường học, trường dạy nghề và thứ ba là lĩnh vực thể thao, nhà hàng và văn hóa. Việc điều chỉnh sẽ được theo dõi và tiến hành sau mỗi giai đoạn khoảng nửa tháng để biết được hiệu quả và tình hình dịch bệnh sau giai đoạn được nới lỏng trước đó.

Theo thông báo của Viện dịch tễ (RKI), chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Đức/100.000 dân đã tăng từ 57,8 lên mức 61,0. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức từ đầu dịch đã lên tới 2,39 triệu ca, trong đó có trên 67.900 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Munich, Đức ngày 25/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh chiều 22/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày trước Hạ Viện Anh về lộ trình 4 bước nới lỏng phong tỏa tại vùng England. Theo đó, England sẽ bắt đầu bước1 nới lỏng lệnh phong tỏa là ngày 8/3 kết thúc 11 tuần tuần phong tỏa cấp độ cao nhất, và là lần phong tỏa thứ 3 trong vòng 12 tháng qua.

Thủ tướng Johnson nhấn mạnh việc chuyển sang từng bước mới sẽ được quyết định dựa trên các số liệu thu thập 4 tuần gần nhất. Ông cho biết dự kiến mỗi bước nới lỏng lệnh phong tỏa sẽ cách nhau 5 tuần, Chính phủ sẽ công bố trước 1 tuần khi bước sang bước tiếp theo.

Bước 1của nới lỏng sẽ bắt đầu từ ngày 8/3, các trường học phổ thông sẽ mở cửa lại trường học hoàn toàn. Học sinh được hỗ trợ để tiến hành xét nghiệm 2 lần/tuần. Đối với hệ đại học, cao đẳng một số khóa học cần thiết phải dùng đến các trang thiết bị chung cũng được tổ chức nối lại, còn vẫn chủ yếu học trực tuyến, đến cuối tháng 4 sẽ xem xét để các trường đại học mở lại ký túc xá và học trên lớp hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 3/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Từ ngày 29/3 mọi người không bị bắt buộc phải ở trong nhà hoàn toàn như hiện nay, một số hoạt động thể thao ngoài trời  như đá bóng, chơi golf sẽ được phép, mọi người có thể gặp gỡ nhóm tối đa 6 người ngoài trời, hoặc hai hộ gia đình có thể gặp gỡ nhau ngoài trời.

Bước 2 sẽ không sớm trước ngày 12/4, không còn giờ giới nghiêm, các cửa hàng cung cấp dịch vụ không thiết yếu đều mở cửa trở lại, các quán rượu nhà, nhà hàng được mở cửa trở lại phục vụ ngoài trời, công viên mở cửa trở lại nhưng vẫn giữ khoảng cách giãn cách xã hội theo quy định.

Bước 3 sẽ không mở sớm trước ngày 17/5, hầu hết các hạn chế trong các hoạt động ngoài trời dỡ bỏ, các nhà hàng, quán rượu được mở cửa phục vụ trong nhà, các nhà hát, rạp chiếu phim mở cửa trở lại nhưng phải tăng cường công tác xét nghiệm.

Bước 4 sẽ không mở sớm trước ngày 21/6, mọi hạn chế trong tiếp xúc xã hội đều được dỡ bỏ, những sự kiện lớn tụ tập đông người như đám cưới được diễn ra bình thường.

Sau 4 bước này, chỉnh phủ sẽ có xem xét đánh giá và đưa ra kế hoạch về cấp chứng nhận tình trạng COVID, quy định đối với tổ chức các sự kiện đông người, vấn đề đi lại, và quy định mới về giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Băng rôn chỉ dẫn địa điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được đặt tại lối vào các trung tâm thương mại để người dân tiện theo dõi. Ảnh: Trần Hiếu - PV TTXVN tại Nga

Tại Ba Lan, chính phủ nước này dự kiến công bố các quy định mới về điều kiện nhập cảnh, Theo đó, những người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh sẽ không phải tiến hành cách ly.

Hiện Chính phủ Ba Lan cũng không có kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong thời gian tới. Hiện, Ba Lan đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 sau khi ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm gần đây, với khoảng 8.000 ca mỗi ngày.Lực lượng chức năng nhận định Ba Lan có thể chạm ngưỡng đỉnh dịch vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, chính quyền thành phố Mumbai của Ấn Độ đã phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm mới nơi đây gia tăng. Theo đó, toàn bộ các cuộc tụ họp tôn giáo, xã hội và chính trị đều bị cấm ở Mumbai cũng như tại các địa phương của bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, nơi sinh sống của khoảng 110 triệu người, sau khi các ca nhiễm ở đây lên cao bằng mức hồi tháng 10/2020.

Thủ hiến bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray, quan ngại nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai dịch COVID-19 tại bang này, vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 52.000 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Do đó, ông đề nghị người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Chính quyền bang sẽ xem xét lại tình hình sau 8 ngày nữa và sẽ quyết định về việc có phong tỏa hay không.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Cát Lâm, Trung Quốc ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đã hạ mức cảnh báo dịch bệnh tại những khu vực cuối cùng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Cụ thể, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) đã quyết định đưa mức cảnh báo dịch bệnh của huyện Vọng Khuê (Wangkui) xuống mức thấp sau khi không ghi nhận trường hợp mắc mới hoặc không có triệu chứng trong 2 tuần qua.

Trước đó, thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ tỉnh Hà Bắc (Hebei), miền Bắc Trung Quốc cũng đã hạ mức cảnh báo đối với quận Cảo Thành (Gaocheng) sau 2 tuần tiến hành xét nghiệm sàng lọc mà không phát hiện ca nhiễm mới nào. Như vậy, hiện không còn khu vực nào ở Trung Quốc đại lục nằm trong khu vực có nguy cơ cao hoặc trung bình với đại dịch này.

Liên quan tới hoạt động bào chế vaccine ngừa COVID-19,  hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Sanofi của Pháp thông báo đã bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng mới đối với một ứng cử viên vaccine phòng COVID-19 và đặt mục tiêu tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vào quý II/2021.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hai hãng dược phẩm trên, cuộc thử nghiệm mới sẽ được tiến hành trên 720 người trưởng thành khỏe mạnh ở Mỹ, Honduras và Panama nhằm đánh giá độ an toàn, cũng như phản ứng miễn dịch của vaccine.

Những người tham gia thử nghiệm vaccine sẽ được tiêm 2 mũi vaccine, với mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Nếu kết quả thử nghiệm thành công, GSK và Sanofi hy vọng vaccine này sẽ được phê chuẩn sử dụng trong quý IV/2021 so với mục tiêu đề ra ban đầu là trong 6 tháng đầu năm nay.

Ứng cử viên vaccine của hai hãng này có sử dụng sử dụng công nghệ sản xuất dựa trên protein tái tổ hợp giống như vaccine phòng cúm mùa của hãng Sanofi, kết hợp với tá dược do GSK bào chế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Medan, Indonesia ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 14.814 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 51.190 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Myanmar và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy “ánh sáng cuối đường  hầm” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây, bất chấp tình hình số ca mắc mới bắt đầu giảm nhẹ so với mấy ngày trước.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á, chiếm hơn 30% số ca tử vong trong ngày của cả châu lục. Indonesia ghi nhận thêm 10.180 ca COVID-19 và 202 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.288.833 ca và 34.691  ca.

Chú thích ảnh

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm mạnh so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.192 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.  

Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 1 ca tử vong và 11 ca bệnh mới.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 22/2 ghi nhận thêm 89 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp do số ca mắc mới trong ngày thường ở mức trên dưới 100 ca/ngày.

Chú thích ảnh

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 51.194 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 215 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.638.487 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.090.395 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Lào, Brunei và Timor Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 22/2: Toàn khối trên 51.100 ca tử vong; Indonesia ‘nóng’ nhất châu Á
COVID-19 tại ASEAN hết 22/2: Toàn khối trên 51.100 ca tử vong; Indonesia ‘nóng’ nhất châu Á

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 14.814 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 51.190 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN