COVID-19 tại ASEAN hết 8/8: Cả khối vượt 8 triệu ca mắc; Indonesia có gần 1.500 ca tử vong mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 8/8, 9 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 85.395 ca mắc COVID-19 và 2.309 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 8 triệu ca, trong đó 169.739 người tử vong.

Chú thích ảnh
Chôn cất bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Bekasi, Indonesia, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 8/8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Indonesia với 26.415 ca. 

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 19.983 ca. Tiếp đó là Malaysia với 18.688 ca, Việt Nam với 9.690 ca, Philippines với 9.671 ca, Campuchia với 556 ca, Lào với 260 ca, Singapore với 78 ca và Timor-Leste với 54 ca.

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.498 ca), Malaysia (360 ca), Philippines (287 ca), Thái Lan (138 ca), Campuchia (25 ca) và Timor-Leste (1 ca).

Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ tháng 4

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại San Juan, Philippines, ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 8/8, Bộ Y tế Philippines báo cáo thêm 287 ca tử vong vì dịch COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 9/4 vừa qua, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 29.122 ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca mới tại Philippines tăng 9.671 ca lên tổng cộng 1,66 triệu ca.   

Philippines đã phát hiện hơn 330 ca nhiễm biến thể Delta trong những tuần gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng biến thể này có thể lây lan khắp cả nước, giống như tình trạng đang diễn ra tại các nước Đông Nam Á.

Cho đến nay, chỉ hơn 10,7 triệu người Philippines đã tiêm phòng đầy đủ, chiếm gần 10% dân số.

Brunei lần đầu áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong 15 tháng

Chú thích ảnh
Người dân Brunei đeo khẩu trang tại chợ đêm Gadong ở Bandar Seri Begawan năm 2020. Ảnh: AFP
 

Chính phủ Brunei đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sau khi ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng trong hơn 1 năm. 

Trong thông báo, Bộ Y tế Brunei cho biết nước này đã ghi nhận 8 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là các ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên kể từ ngày 6/5/2020.

Theo Bộ Y tế Brunei, 5 trong số 7 ca nhiễm trong cộng đồng không có lịch sử đi du lịch nước ngoài trong những tháng gần đây và có liên quan đến một trung tâm giám sát ở Brunei. Hai trường hợp còn lại không xác định được nguồn lây nhiễm và cũng không có lịch sử đi nước ngoài. Do đó, nguồn lây tại nước này có thể do các ca nhập cảnh. 

Ngay lập tức, Chính phủ Brunei đã quyết định đóng cửa toàn bộ các địa điểm tôn giáo, trung tâm giải trí, rạp chiếu phim, hủy các sự kiện xã hội, các sự kiện lớn chỉ được giới hạn ở mức 30 người, các trường học chuyển sang học trực tuyến, các nhà hàng chỉ được bán mang về trong 2 tuần. Bên cạnh đó, nhà chức trách Brunei còn yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang, kể cả những người đã hoàn thành việc tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là trong nhà hoặc những nơi đông người. 

Với 8 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 tại Brunei đã tăng lên 347. Kể từ năm 2020, nước này đã không để xảy ra các đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng và cũng đã đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Hiện gần 32% trong tổng số 450.000 người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Malaysia nới lỏng hạn chế với người đã tiêm phòng đầy đủ 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 8/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố nhiều biện pháp nới lỏng đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19, có hiệu lực từ ngày 10/8.

Trong thông báo, Thủ tướng Muhyiddin cho biết những người trở về từ nước ngoài nếu đã tiêm chủng đầy đủ có thể cách ly tại nhà với điều kiện họ có nhà ở Malaysia, những cặp vợ chồng có thể đi lại giữa các bang để thăm nhau và các bậc phụ huynh có thể đi thăm con dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, những người đã hoàn thành tiêm chủng còn được phép cầu nguyện ở các địa điểm thờ tự, vào nhà hàng ăn uống...

Ngoài ra, các bang đang ở giai đoạn 2 trở lên của Chương trình Hồi phục quốc gia (NRP) cũng sẽ được hưởng nhiều biện pháp nới lỏng như cho phép đi lại xuyên bang, đi du lịch, vào nhà hàng ăn uống cũng như tập thể dục ngoài trời (từ 6h-22h, với điều kiện đảm bảo giãn cách xã hội).

Theo Thủ tướng Muhyiddin, các biện pháp nới lỏng bắt đầu thực hiện từ ngày 10/8. Khi gặp lực lượng chức năng, những ai thuộc diện được nới lỏng chỉ cần trình chứng nhận điện tử cho thấy họ đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đối với những người tiêm vaccine của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac, việc hoàn thành tiêm chủng được xác định sau 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2. Đối với những người tiêm vaccine 1 mũi của Johnson & Johnson và CanSino, việc hoàn thành tiêm chủng được xác định sau 28 ngày kể từ ngày tiêm.

Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, đến hết ngày 7/8, nước này đã có gần 8,5 triệu người trưởng thành hoàn tất tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 (36,3% dân số), trong khi hơn 15,5 triệu người (khoảng 66,4% dân số) đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Thái Lan ghi nhận gần 20.000 ca mắc mới 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện Vibhavadi ở Bangkok, Thái Lan ngày 26/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ghi nhận 19.983 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 8/8, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 756.505 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch COVID-19 cũng tăng 138 ca lên 6.204 ca.

Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca mắc mới có 3.080 ca ghi nhận ở thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba ở nước này. 

Chính phủ Thái Lan đã áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm, sau khi ghi nhận số ca mắc mới và nhập viện cao nhất trong vài tháng qua. Tuy nhiên, do tiến độ tiêm chủng chậm và sự lây lan nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. 

Tính đến ngày 7/8, Thái Lan đã tiêm hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với 4,4 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Nước này đặt mục tiêu đến cuối năm nay tiêm chủng cho 70% dân số. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giới chuyên gia Trung Quốc kêu gọi thay đổi cách chống dịch ‘không COVID-19’
Giới chuyên gia Trung Quốc kêu gọi thay đổi cách chống dịch ‘không COVID-19’

Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng chính quyền cần thay đổi cách tiếp cận “không COVID-19” trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN