COVID-19 tại ASEAN hết 3/5: Toàn khối gần 17.700 ca mắc mới; Số ca tử vong tại Thái Lan tăng mạnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.677 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 70.450 người.

 

Chú thích ảnh
Khử khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 30/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Yala, Thái Lan ngày 1/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 3/5 ghi nhận thêm 2.041 ca bệnh mới và có tới 31 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 841 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 3/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 70.454 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 307 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.703.367 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.135.055 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, tất cả nước ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 3/5, Philippines và Malaysia ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19 trong khi Indonesia thông báo đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Jakarta.

Bộ Y tế Philippines công bố 7.255 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.062.225 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 94 ca lên 17.525 ca. Bộ trên cho biết trong những tuần gần đây, Philippines tiếp tục đối mặt với số ca nhiễm tăng mạnh do xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao hơn trong khi người dân lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.

Quốc gia khoảng 110 triệu dân này đã triển khai chương trình tiêm vaccine từ ngày 1/3 vừa qua. Theo Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire, nước này đến nay đã tiêm tổng cộng hơn 1,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Chính phủ Philippines có kế hoạch tiêm phòng cho 70 triệu người dân trong năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng. Trong ngày 3/5, Tổng thống Rodrigo Duterte đã được tiêm liều vaccine đầu tiên ngừa COVID-19 do Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia ngày 2/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 2.500 ca mắc mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 2.496 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 417.512 ca. Malaysia cũng xác nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 1.551 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 2.068 người lên 385.208 người.

Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin thông báo nước này vừa ghi nhận tại thủ đô Jakarta 2 trường hợp nhiễm biến thể kép B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Đây là loại biến thể có khả năng lây lan cao.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, ông Budi cho biết thêm ở Bali cũng đã ghi nhận một ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện từ Nam Phi. Tuần trước, quốc gia Đông Nam Á này đã ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài từng đến Ấn Độ trong 14 ngày trước đó.

Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.677.274 ca mắc, trong đó có 45.796 ca tử vong do COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3/5, Thái Lan đã ghi nhận thêm 31 ca tử vong virus SARS-CoV-2, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19.

Theo hãng tin Reuters của Anh, sau khoảng một năm cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thông qua các biện pháp phong tỏa và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, từ đầu tháng 4 vừa qua, Thái Lan lại đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, gây ra nhiều sức ép cho hệ thống y tế. Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 2.041 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 71.025 ca. Tổng số ca tử vong hiện ở mức 276 ca.

Sự hoành hành của biến thể B.1.1.7, có khả năng lây lan nhanh được phát hiện đầu tiên ở Anh, đã khiến số ca nhiễm và tử vong trong làn sóng gây nhiễm lần này tại Thái Lan hiện chiếm hơn một nửa tổng số ca kể từ khi bùng phát dịch.

Thái Lan đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối năm nay. Người dân bắt đầu đăng ký tham gia chương trình tiêm chủng từ ngày 2/5, ưu tiên cho khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền. Chương trình tiêm chủng đại trà dự kiến được bắt đầu từ tháng 6 tới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Thế giới có trên 153,6 triệu ca mắc COVID-19
Thế giới có trên 153,6 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 3/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 153.690.799 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 3.218.861 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 131.008.774 ca. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN