COVID-19 tại ASEAN hết 27/3: Campuchia có ca mắc mới cao kỷ lục; Philippines siết biện pháp cách ly 

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 27/3, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 15.539 ca mắc COVID-19 và 212 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.781.858 ca, trong đó 58.150 người tử vong. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một nhân viên tế tại Manila, Philippines ngày 23/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 27/3 là Philippines. Bộ Y tế nước này ngày 27/3 thông báo đã ghi nhận 9.595 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 712.442 người. Trong số này, đã có 13.159 người không qua khỏi. 

Trước đà lây nhiễm gia tăng đột biến, Philippines thông báo sẽ áp đặt trở lại các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hơn tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận. Người phát ngôn của Chính phủ Philippines Harry Roque cho biết các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 29/3 đến ngày 4/4. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Sự xuất hiện của các biến thể virus mới cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới cho việc ngăn chặn chuỗi lây lan của đại dịch tại quốc gia có khoảng 110 triệu dân này. 

Trong khi đó, đã có hơn 508.000 người trong số khoảng 1,7 triệu nhân viên y tế tuyến đầu ở Philippines đã được tiêm chủng. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu sẽ chủng ngừa cho 70 triệu  dân trong năm nay để có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Các nhóm đối tượng ưu tiên chính là nhân viên y tế, người cao tuổi và cộng đồng dân cư nghèo. 

Đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 trong ngày 27/3 là Indonesia với 4.416 ca. Indonesia đứng đầu ASEAN về số ca tử vong trong ngày với 198 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 3/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, ngày 26/3, chính phủ Indonesia quyết định cấm người dân rời khỏi các vùng đô thị để trở về quê nhà trong dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 tới nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối Phát triển con người và Văn hóa của Indonesia, Muhadjir Effendy cho biết lệnh cấm này sẽ được áp dụng với tất cả người dân từ ngày 6-17/5.

Thông thường trước lễ Eid al-Fitr hằng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm về quê đối với viên chức, quân nhân, cảnh sát và người lao động ở các xí nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ khuyến cáo những người khác không về quê trong dịp này.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Serdang, gần Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 340.642 ca, sau khi nước này có thêm 1.199 ca nhiễm mới trong ngày 27/3.

Tại Campuchia, giới chức y tế ngày 27/3 xác nhận đã có thêm 179 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất ghi nhận theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trước đó, số ca bệnh theo ngày cao nhất chỉ là 105 trường hợp, ghi nhận ngày 15/3 vừa qua.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế và xe cứu thương được huy động để chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều đáng lo ngại là có tới 178/179 số ca mắc mới là lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, 143 ca ghi nhận ở tỉnh Preah Sihanouk, 27 ca ở thủ đô Phnom Penh, 4 ca ở tỉnh Kandal, 3 ca ở tỉnh Prey Veng và 1 ca ở tỉnh Siem Reap. Ca nhập cảnh là một nam giới 31 tuổi, từ Nhật Bản trở về Campuchia ngày 25/3 trên chuyến bay quá cảnh ở Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, cho biết tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại các địa phương hiện nay là đáng báo động khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng ở thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh thành trong nước. Bà kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế và không rời khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu của Bộ Y tế Campuchia, tính đến 27/3, nước này đã ghi nhận tổng cộng 2.147 ca mắc COVID-19 khiến 9 người tử vong và 1.132 người đã được chữa khỏi. Bệnh nhân mới nhất tử vong do COVID-19 là người bị xuất huyết dạ dày nặng, tử vong đêm 26/3. Chính phủ Campuchia đã cho tiến hành chiến dịch tiêm chủng từ ngày 10/2 vừa qua và đến ngày 26/3 đã chủng ngừa được cho hơn 366.000 người trong diện ưu tiên.

Còn tại Thái Lan, trong này hôm nay cũng đã xác nhận có thêm 1 ca tử vong và 80 ca mắc mới, trong đó 73 ca lây nhiễm trong cộng đông và 7 ca nhập cảnh. Các bệnh nhân chủ yếu sống ở thủ đô Bangkok. Như vậy đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 28.657 ca mắc COVID-19. Trong số này 27.136 bệnh nhân đã hồi phục và 93 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, ngày 26/3, nhà chức trách Thái Lan nhất trí cho phép những người nước ngoài đã tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 du lịch đến Phuket - hòn đảo nghỉ dưỡng lớn nhất nước này - mà không cần thực hiện cách ly.

Nhóm đặc trách về phòng chống COVID-19 của Thái Lan đã “bật đèn xanh” cho phép đảo Phuket từ tháng 7 tới trực tiếp đón các du khách đã tiêm vaccine mà không cần thực hiện cách ly, sau khi 70% cư dân của đảo này được tiêm phòng.

Cơ quan Du lịch Thái Lan cho biết từ tháng 4 tới, thời gian cách ly tại khách sạn sẽ giảm một nửa xuống còn 7 ngày đối với những người đã được tiêm vaccine đầy đủ đến các khu vực Phuket, Pattaya, Koh Samui, Chiang Mai, Phang Nga và Krabi. Đến quý IV/2021 sẽ có 5 địa điểm nghỉ dưỡng thực hiện miễn cách ly cho du khách.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tới sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan, ngày 22/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 đã giúp Thái Lan hạn chế số ca mắc mới nhưng ảnh hưởng nặng nề “ngành công nghiệp không khói” của nước này. Ngân hàng trung ương Thái Lan dự báo nước này sẽ đón 3 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, giảm mạnh so với gần 40 triệu lượt khách năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.

Trong bối cảnh số du khách đến Thái Lan giảm mạnh, đất nước vốn phụ thuộc vào du lịch này đang nỗ lực để đảm bảo đủ lượng vaccine cho toàn bộ người dân và để mở cửa trở lại để đón khách nước ngoài. Thái Lan đang thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine để vực dậy ngành du lịch.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Biến thể Nam Phi nguy hiểm, có thể giảm 30% hiệu quả vaccine COVID-19
Biến thể Nam Phi nguy hiểm, có thể giảm 30% hiệu quả vaccine COVID-19

Đó là cảnh báo của các cố vấn khoa học chính phủ Anh về biến thể SARS-CoV-2 ở Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN