COVID-19 liệu có là vấn đề lớn với Ấn Độ trong năm 2022?

Ấn Độ đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai đầy chết chóc trong đầu năm nay và hiện vẫn chưa thể an toàn trước biến thể Omicron đang tấn công thế giới.

Chú thích ảnh
Kiểm tra nhiệt độ đối với học sinh tại bang Bengal. Ảnh: DW

Tại thời điểm đỉnh dịch trong làn sóng thứ hai từ tháng 4 đến tháng 5/2021, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ vượt ngưỡng 400.000 ca/ngày, gây quá tải đối với hạ tầng y tế eo hẹp của nước này. Nhiều bệnh nhân đã tử vong bên ngoài khuôn viên bệnh viện vì không có giường, thiếu oxy.

Vài tuần trở lại đây, mối lo ngại về kịch bản làn sóng lây nhiễm thứ ba lại tăng lên, sau khi giới chức y tế Ấn Độ phát hiện các ca nhiễm siêu biến thể Omicron. Ấn Độ cho đến nay ghi nhận 200 ca nhiễm Omicron, ở 12 bang, trong đó tập trung chủ yếu tại bang miền tây Maharashtra và thủ đô New Delhi. Số ca nhiễm Omicron tăng gấp đôi chỉ trong một tuần, nhưng thông tin tốt là chính là việc chưa có ca tử vong nào.

Giới khoa học và các chuyên gia dịch tễ cho rằng lây nhiễm ở Ấn Độ sẽ gia tăng trong vài tuần tới. Tuy nhiên, biến thể mới có thể sẽ không chết chóc như biến thể Delta, do Ấn Độ trước đó đã trải qua thời gian lây lan kéo dài, trên diện rộng, nhiều người có miễn dịch tự nhiên, cũng như bước tiến về tiêm chủng.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo không được phép chủ quan, tự mãn. “Một tỉ lệ nhỏ của một số lượng lớn có thể sẽ lại là lớn. Nhưng miễn dịch có sẵn thông qua lây nhiễm trước và tiêm chủng vaccine có thể giúp giảm nguy cơ nghiêm trọng. Mục tiêu cần hướng đến là biến COVID-19 thành một dạng bệnh lây nhiễm hô hấp kiểm soát được”, Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.

Theo bà Swaminathan, thay vì tập trung theo dõi số ca mắc mới trong ngày, giới chức y tế Ấn Độ cần kiểm soát ca bệnh nặng, trường hợp nhập viện và tử vong chặt chẽ hơn. Cũng cần phân tích, làm rõ xu hướng nhiễm đột phá theo tuổi và theo tiêu chí đã tiêm chủng hay chưa, để có được cái nhìn tổng thể về suy giảm miễn dịch.

Số ca nhiễm mới ở Ấn Độ giảm trong vài tuần gần đây. Quốc gia Nam Á này ghi nhận 5.326 ca nhiễm trong ngày 21/12, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Cho đến nay, Ấn Độ có số ca nhiễm bệnh cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Chính phủ ước tính có khoảng 70% dân số đã bị lây nhiễm tự nhiên tính tới thời điểm tháng 7 vừa qua, sau quãng thời gian dịch lên đỉnh, với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong tháng 4 và tháng 5/2021.

Chiến dịch tiêm chủng cũng đạt bước tiến lớn, với 87% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi vaccine, 58% trong số này tiêm đủ hai mũi. Ấn Độ hiện vẫn chưa cho phép tiêm mũi tăng cường, do nhiều người đã nhiễm COVID-19 tự nhiên và chính phủ tin rằng cơ chế hai liều vaccine hiện nay là đủ hiệu lực bảo vệ.

“Mũi tăng cường giúp chặn nguy cơ lây nhiễm có triệu chứng. Trong khi chờ dữ liệu ở trong nước, chúng ta không được phép trì hoãn công tác chuẩn bị cho mũi tăng cường và tiêm chủng cho trẻ em. Đó là bởi dữ liệu trên toàn cầu cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 biến thể cũ gần như không có khả năng trung hòa trước biến thể Omicron”, chuyên gia dịch tễ Shahid Jameel chia sẻ.

Giới khoa học nhìn nhận, Ấn Độ hiện có sự chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản phải đối mặt với một sóng lây nhiễm mới nếu so với hồi đầu năm nay, xét dưới góc độ nắm chắc những điểm yếu của mình và biện pháp xử lý để vượt lên. “Điểm tích cực chính là việc so với làn sóng thứ hai, nếu làn sóng thứ ba có xảy ra thì nó cũng sẽ tấn công vào nhóm dân cư có mức miễn dịch cộng đồng lớn, do họ từng nhiễm bệnh trong sóng Delta”, Gautam Menon, giáo sư sinh học tại Đại học Ashoka nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)
Ấn Độ phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron
Ấn Độ phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron

Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) đã thiết kế một bộ dụng cụ (kit) xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN