"Con đường màu xanh" của kinh tế Mỹ

Nhiều chuyên gia phân tích chính trị thừa nhận rằng, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama có mối quan hệ chặt chẽ với giá nhiên liệu. Một điều dễ thấy là khi giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt thì ngay lập tức tỷ lệ ủng hộ đối với ông Obama giảm mạnh. Tuy nhiên, những ý kiến nói rằng chính quyền Obama phải chịu trách nhiệm khi giá xăng dầu trong nước tăng cao là điều phi lý, nếu đặt vấn đề dưới góc nhìn an ninh năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này từ hàng thập kỷ qua và nỗ lực của Tổng thống Obama trong công cuộc đa dạng hóa và duy trì an ninh năng lượng cho nước Mỹ.

Năng lượng gió là một trong những giải pháp đưa kinh tế Mỹ đến “con đường màu xanh. Ảnh: Internet

Đã hơn 40 năm kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và Mỹ đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm từ bài học đó. Ảnh hưởng trong ngắn hạn khi giá dầu mỏ đột ngột tăng mạnh là khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm và kéo theo tăng trưởng kinh tế tụt dốc, do tiêu thụ dầu mỏ không thể điều chỉnh đủ nhanh như các hàng hóa hay dịch vụ khác. Theo thời gian, con người có thể thích ứng bằng cách chủ động giảm tiêu thụ dầu mỏ, như tích cực sử dụng nhiều hơn các thiết bị và ô tô tiết kiệm nhiên liệu hay chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong dài hạn, càng sử dụng năng lượng hiệu quả thì con người càng khó bị tổn thương một khi giá nhiên liệu biến động mạnh.

Chính quyền Obama đã có cái nhìn dài hạn hơn về chính sách an ninh năng lượng của Mỹ. Trọng tâm chính sách năng lượng của ông Obama là khai thác các nguồn năng lượng mới, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến ông Obama nhận thức rằng, dựa quá nhiều vào nhập khẩu dầu mỏ sẽ tạo ra mối đe dọa đối với nền kinh tế và an ninh đất nước. Vì vậy, ông đã đưa ra “Kế hoạch năng lượng mới”, khởi động chiến lược mới lấy nguồn năng lượng mới thay thế nguồn năng lượng truyền thống, lấy nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, dốc sức phát triển khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

Mỹ còn thông qua chính sách cả gói, trợ cấp cho năng lượng sinh học, ưu đãi thuế đối với việc tiêu dùng tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Ông Obama còn tích cực thúc đẩy “Dự luật an ninh và năng lượng sạch”. Mục đích của dự luật này là giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu việc dựa vào dầu mỏ nhập khẩu và vạch ra kế hoạch xây dựng nguồn năng lượng xanh của Mỹ. Tháng 6/2009, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này. Trọng tâm của dự luật là hạn chế lượng khí thải cácbon, thông qua việc đặt ra mức giới hạn khí thải cácbon, tiến hành quản lý mức khí phát thải của các doanh nghiệp có mô hình tập trung năng lượng như nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, công ty hóa chất. Tháng 3/2010, khi cân nhắc việc phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu nguồn tài nguyên dầu khí khiến cho vấn đề an ninh năng lượng ngày càng trở thành hiểm họa lớn của an ninh quốc gia Mỹ, ông Obama tuyên bố xóa bỏ phần nào lệnh cấm khai thác dầu mỏ ở các vùng ven biển của Mỹ. Hành động này đại diện cho những thay đổi trong chiến lược năng lượng đối ngoại của Mỹ, chuyển từ tình trạng dựa quá mức vào nhập khẩu sang cùng coi trọng nhập khẩu và tự sản xuất.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2010, bắt nguồn từ vụ tràn dầu ở Vịnh Mêhicô, ông Obama một lần nữa thúc giục Quốc hội thông qua dự luật về năng lượng để kích thích Mỹ phát triển các nguồn năng lượng thay thế, giảm thiểu việc dựa vào nhập khẩu dầu mỏ, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tạm ngừng các hoạt động thăm dò và khai thác dầu mỏ ở khu vực ven biển và Bắc Cực. Chính sách năng lượng mới của ông Obama chủ yếu như sau: Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ chi 150 tỷ USD để kích thích đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, giúp tạo 5 triệu cơ hội việc làm. Tháng 3/2012, ông Obama cũng kêu gọi Quốc hội nước cân nhắc chấm dứt chương trình giảm thuế trị giá khoảng 4 tỷ USD/năm cho ngành công nghiệp dầu mỏ.

Chính sách năng lượng của ông Obama có ba từ then chốt là "an ninh", "màu xanh" và "kinh tế". Theo ý tưởng chính sách của ông Obama, trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, ôtô tiết kiệm năng lượng, than sạch hay các công trình tiết kiệm năng lượng, Mỹ sẽ tìm ra một chiến lược đổi mới tối đa hóa lợi ích. Đến trước năm 2015, Mỹ đặt mục tiêu sẽ có 1 triệu xe ôtô chạy bằng điện do trong nước sản xuất được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Mỹ tỏ rõ ý muốn hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng sạch.


Không thể phủ nhận tình hình giá xăng dầu tại Mỹ tăng cao thời gian qua đã tạo ra nhiều sức ép đối với chính quyền Tổng thống Obama. Đảng Cộng hòa cũng tận dụng cơ hội này để công kích rằng "những chính sách năng lượng sai lầm" của Chính phủ khiến giá xăng dầu trong nước tăng mạnh. Trong bối cảnh 76% người dân Mỹ sử dụng ô tô để đi làm, việc giá xăng tăng quá cao và cách thức xử lý của Chính phủ thực sự là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Đáp lại những chỉ trích, ông Obama không ủng hộ các hoạt động thăm dò dầu khí, trì hoãn các dự án khai thác dầu mỏ tại Vịnh Mêhicô, cũng như không tạo điều kiện cho tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canađa tới các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Texas, người đứng đầu nhà Trắng khẳng định, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, sản lượng dầu mỏ Mỹ đã tăng đáng kể, đồng thời số giàn khoan dầu đang hoạt động đã tăng gấp 4 lần. Hơn hết, lựa chọn tối ưu của Mỹ lúc này là theo đuổi các chiến lược giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và hướng tới các nguồn năng lượng xanh hơn như năng lượng Mặt Trời, gió, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu sinh học, hay nói cách khác hướng nền kinh tế Mỹ vững bước trên những "con đường màu xanh".

TKT
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN