Cố vấn Suu Kyi kêu gọi quốc tế hỗ trợ Myanmar trong vấn đề người Rohingya

Ngày 19/9, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này trong nỗ lực đoàn kết các tôn giáo và sắc tộc, đồng thời cam kết cho phép hồi hương một bộ phận người Hồi giáo Rohingya phải rời khỏi Myanmar vì bạo lực.

Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn chuyển giao dân chủ ở Naypyitaw, ngày 11/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong bài phát biểu toàn quốc phát trực tuyến ngày 19/9, bà Aung San Suu Kyi nêu rõ không muốn Myanmar là một quốc gia bị chia rẽ bởi các tín ngưỡng tôn giáo và sắc tộc. Bà bày tỏ đau buồn trước việc các nhóm dân phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực, đồng thời cho biết Naypyidaw sẵn sàng nhận hồi hương những người tị nạn thông qua một tiến trình "xác minh".

Đây là những bình luận đầu tiên của bà Suu Kyi về cuộc khủng hoảng người di cư Rohingya ở Myanmar kể từ khi vụ việc bùng nổ hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Từ đó đến nay, đã có hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi bạo động nổ ra tại bang Rakhine.

Bà Suu Kyi đã không tham dự Khóa họp 72 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đang diễn ra tại New York, Mỹ, để tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng này. Hôm 13/9 vừa qua, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng lạm dụng vũ lực tại Myanmar sau khi chính quyền nước này triển khai chiến dịch an ninh tại bang Rakhine, đồng thời kêu gọi "lập tức có những biện pháp" để chấm dứt bạo lực.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine sang các nước láng giềng sau khi quân đội Myanmar phát động các chiến dịch truy quét các phần tử tấn công các trạm kiểm soát biên giới. Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Tổng thống Myanmar cùng ngày thông báo chính phủ nước này đã quyết định dành 14,7 triệu USD để đẩy nhanh công tác sửa chữa phần hàng rào biên giới với Bangladesh bị hư hỏng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng chỉ đạo khẩn cấp xây dựng mạng lưới đường bộ tại khu vực núi Mayu nhằm đảm bảo an ninh biên giới.

TTXVN/Báo Tin Tức
Người dân Myanmar sơ tán do giao tranh tại bang Rakhine
Người dân Myanmar sơ tán do giao tranh tại bang Rakhine

Ít nhất 18.500 người Rohingya tại bang Rakhine của Myanmar đã phải sơ tán sang nước láng giềng Bangladesh trong 6 ngày qua kể từ khi cuộc giao tranh mới bùng phát giữa quân đội và các tay súng nổi dậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN