Cơ hội “cứu chữa” nền kinh tế toàn cầu?

Vạch ra tiêu chí chung để đánh giá sự mất cân bằng của nền kinh tế toàn cầu, qua đó dẫn tới việc “đại tu” hệ thống tài chính thế giới là tham vọng của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong hội nghị diễn ra tại thủ đô Pari của Pháp ngày 18 và 19/2.

Trước thềm hội nghị, ngày 17/2, Pháp - nước giữ chức chủ tịch luân phiên của G20 từ tháng 1/2011 - cam kết sẽ cải cách hệ thống tiền tệ cũng như các thị trường hàng hóa thế giới. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố mục đích của ông là bảo vệ những nền kinh tế nghèo trước sự nhiễu loạn của hệ thống tiền tệ và thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde tại cuộc họp báo về Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 ở Pari ngày 14/2. Ảnh: AFP - TTXVN


Đưa tin về sự kiện này, hãng tin AFP đã có một sự ví von khá thú vị: Hội nghị G20 là dịp để “các bác sĩ” (bộ trưởng tài chính Nhóm G20) điều trị “bệnh” (sự rối loạn của hệ thống tiền tệ và thương mại toàn cầu).

Tuy nhiên, trước khi chữa “bệnh”, “các bác sĩ” phải thống nhất quan điểm trong việc chẩn đoán “bệnh”, từ đó mới bắt đầu kiểm tra “sức khỏe” các quốc gia thành viên. Dựa trên kết quả cuộc kiểm tra này, “các bác sĩ” sẽ “kê đơn” hay nói cách khác là đề ra các chương trình cải cách chính sách đối với những nước “rời quá xa con đường tăng trưởng tối ưu của cộng đồng quốc tế”, theo như cách nói của Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde.

Bà Lagarde cho biết, hội nghị G20 sẽ thảo luận vấn đề nên sử dụng lĩnh vực nào trong chương trình kinh tế của một nước để giúp họ xác định các vấn đề lớn như cân bằng tài khoản vãng lai, hoặc cân bằng thương mại. Theo bà Lagarde, nhằm xoa dịu vấn đề tiền tệ, hội nghị G20 cũng sẽ thảo luận việc hình thành một giai đoạn quá độ hướng tới một chế độ tiền tệ toàn cầu trên cơ sở một số đồng tiền quốc tế. Ngoài ra, các quan chức G20 còn thảo luận các biện pháp nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng của thị trường lương thực và hàng hóa toàn cầu.

Mặc dù chứng “bệnh” rối loạn của hệ thống tiền tệ và thương mại toàn cầu đang cần sự chung tay chữa trị của “các bác sĩ” nhưng theo giới phân tích, các nước G20 hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về chương trình ổn định nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng và các biện pháp để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.

Cựu Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Domenico Lombardi nhấn mạnh, “đừng mong đợi một kết quả mang tính cách mạng” sau hội nghị G20 lần này. Một lĩnh vực mà các nước G20 khó đạt được thỏa thuận là phát triển những quy chế chung về cách thức và thời điểm xóa các hàng rào ngăn chặn dòng vốn nước ngoài đổ vào các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn cảnh báo, nếu G20 biến thành câu lạc bộ giải trí, trong đó các thành viên chỉ đến Pari du ngoạn mà không đạt được kết quả đáng khích lệ nào tại hội nghị này, thì những thành quả mà G20 thúc đẩy trong hai năm qua nhằm ổn định nền kinh tế toàn cầu sẽ không còn ý nghĩa, thậm chí còn gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng mới.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN