Chứng khoán toàn cầu trên đà “lao dốc”

Ngày 5/8, chứng khoán thế giới tiếp tục tuột dốc do giới đầu tư ồ ạt “tháo chạy” khỏi thị trường, giữa bối cảnh mối lo khủng hoảng nợ công ở châu Âu lan rộng và triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn u ám.


Các nhà đầu tư căng thẳng theo dõi diễn biến trên sàn chứng khoán New York lúc mở cửa phiên ngày 5/8.


Mặc dù các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều tăng điểm lúc mở cửa phiên 5/8, do số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này trong tháng 7/2011 đã tạo được 117.000 việc làm mới (so với con số 85.000 việc làm mới mà hãng Bloomberg dự báo trước đó), nhưng ngay sau đó sắc đỏ đã lại ngự trị các bảng giao dịch điện tử.

Tại thị trường New York lúc 23 giờ ngày 5/8 (giờ VN), các chỉ số chứng khoán Down Jones giảm 1,43%, Nasdaq giảm 2,69% và S&P 500 giảm 1,90%. Trên thị trường châu Âu cùng thời điểm, chứng khoán Anh giảm 2,53%, chứng khoán Đức giảm 2,77% chứng khoán Pháp giảm 1,26%.

Trước đó, chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh lúc đóng cửa phiên 4/8, với các chỉ số Dow Jones giảm 4,3% (mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ năm 2008), S&P 500 giảm 4,8% và Nasdaq giảm tới 5,1%. Chứng khoán của Anh, Pháp và Đức cũng chịu chung số phận, với các mức giảm từ 3,4 - 3,9%. Tính chung trong phiên 4/8, chứng khoán thế giới đã giảm 2,4%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Sự tuột dốc của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu hôm 4/8 đã tác động trực tiếp đến hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á kết thúc phiên 5/8. Chứng khoán Nhật Bản giảm tới 3,72%, chứng khoán Trung Quốc giảm 2,15% (xuống mức thấp nhất trong 10 tháng qua), chứng khoán Hồng Công giảm 4,29% (xuống mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008), chứng khoán Hàn Quốc cũng sụt giảm 3,7% (xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua).

Theo giới phân tích, lòng tin của các nhà đầu tư đang bị “lung lay”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều số liệu yếu kém của kinh tế Mỹ được công bố và những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực sử dụng đồng euro có nguy cơ lan sang các nền kinh tế khác. Ông Matt Rubin, Giám đốc đầu tư chiến lược của Neuberger Berman ở New York (Mỹ), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bán tháo, đẩy giá chứng khoán tụt sâu là sự sợ hãi của giới đầu tư trước các nguy cơ khủng hoảng nợ công châu Âu lan tới Italia, Tây Ban Nha và kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kép. Trong khi đó, Lee Sun-Yup, nhà phân tích thuộc Công ty Shinhan Investment Corp, cho rằng các nhà đầu tư đang lo ngại về khả năng Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, trong bối cảnh tỷ lệ lãi suất vẫn ở mức xấp xỉ 0% và nước này đã tung ra hai chương trình nới lỏng có định lượng (QE1 và QE2) để kích thích kinh tế.

Giá vàng tăng trở lại, dầu tiếp tục rớt giá

Giá vàng ngày 5/8 đã tăng trở lại do giới đầu tư lại phải tìm đến kim loại quý này để tránh “cơn bão” tài chính. Hiện bao trùm thị trường vàng là tâm lý lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ Mỹ sẽ lại rơi vào suy thoái và cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ lan sang các nền kinh tế lớn của châu lục này.
Tại thị trường New York lúc 23 giờ ngày 5/8 (giờ VN), giá vàng tăng 0,04%. Trên thị trường Hồng Công, giá vàng lúc đóng phiên cùng ngày tăng 3,4 USD, lên 1.667,6 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, sau khi rớt giá hơn 5% trong phiên giao dịch ngày 4/8 tại New York, giá dầu thô New York tiếp tục đi xuống trên sàn giao dịch điện tử Xinhgapo ngày 5/8, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang đe dọa nhu cầu năng lượng. Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2011 giảm 1,1 USD xuống 85,53 USD/thùng (mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2011). Tại thị trường New York lúc 23 giờ ngày 5/8 (giờ VN), giá dầu thô ngọt nhẹ giảm 1,94%, còn 84,95 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,33%, còn 107,01 USD/thùng.

Chen Xin Yi, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Barclays Capital nhận định: Sự sụt giảm của giá dầu chủ yếu là do tâm lý lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô, sau khi kinh tế Mỹ liên tục phát đi các tín hiệu buồn. Cùng chia sẻ quan điểm này, Adam Sieminski, chuyên gia kinh tế năng lượng của Deutsche Bank khẳng định: Mối lo về nguy cơ suy thoái kép tại Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã ám ảnh và “kìm kẹp” nhà đầu tư.

Lê Hải

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN