Chủ tịch Trung Quốc bất ngờ vắng mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không xuất hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS hôm 22/8 ở Nam Phi, nơi ông dự kiến sẽ có bài phát biểu cùng với các đối tác quan trọng.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đọc bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS hôm 22/8. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mặc dù đã đến Nam Phi vào tối ngày 21/8, nhưng ông Tập đã không xuất hiện tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS mà không đưa ra lời giải thích nào. Thay vào đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã đọc bài phát biểu của ông Tập lên án xu hướng “bá quyền” của Mỹ.

Trong bài phát biểu được đọc tại Trung tâm Hội nghị Sandton ở Johannesburg, ông Tập cho rằng Mỹ có xu hướng chống lại các quốc gia đe dọa sự thống trị của họ trong các vấn đề toàn cầu và thị trường tài chính. Ông nhấn mạnh mọi quốc gia đều có quyền phát triển và mọi người nên có quyền tự do mưu cầu cuộc sống hạnh phúc.

Trong bài phát biểu, ông Tập cũng nhận định rằng sự trỗi dậy chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển do BRICS đại diện đã “thay đổi căn bản bối cảnh toàn cầu”.

Theo ông, dù có bất kỳ sự phản đối nào, BRICS - với tư cách là một “lực lượng” tích cực và ổn định - sẽ tiếp tục phát triển. Ông tuyên bố Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng BRICS và mong muốn có “mối quan hệ đối tác chiến lược BRICS mạnh mẽ hơn, mở rộng mô hình BRICS+, tích cực thúc đẩy mở rộng thành viên, đồng thời giúp trật tự quốc tế trở nên công bằng và bình đẳng hơn”.

Đề cập đến việc tập hợp các nước BRICS và hơn 50 quốc gia từ châu Phi tham dự hội nghị lần này, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đây “không phải là lời kêu gọi các nước đứng về phe nào, cũng không phải nhằm tạo sự đối đầu trong khối. Thay vào đó, đây là nỗ lực để mở rộng cấu trúc của sự hòa bình và phát triển”.

Trước đó cùng ngày, ông Tập đã gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và dự kiến tham dự bữa tiệc tối do nước chủ nhà tổ chức.

Ông Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall, tỏ ra hoài nghi về sự vắng mặt của ông Tập tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS.

Ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, bình luận: “Sự vắng mặt không báo trước này, đặc biệt là trong một diễn đàn đa phương mà Trung Quốc hiếm khi bỏ lỡ, sau tất cả các công việc cơ bản với Ấn Độ, thực sự đáng chú ý”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong cuộc hội đàm ở Pretoria, ngày 22/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Hơn 30 nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo từ các tổ chức toàn cầu, bao gồm cả Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Đây là cuộc tụ họp lớn nhất của các quốc gia Nam bán cầu từ Châu Phi, Caribe và Nam Mỹ, cũng như từ Trung Đông, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Nội dung đáng chú ý nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh là việc kết nạp các thành viên mới. Đây được coi là biện pháp kiềm chế sự thống trị của phương Tây trong địa chính trị toàn cầu. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại toàn cầu để thách thức sự thống trị của đồng USD.

BRICS là nhóm các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hàng đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Theo giới chức Nam Phi, 23 nước đã đệ đơn xin gia nhập khối, cùng nhiều quốc gia khác đang cân nhắc động thái tương tự. Các quốc gia này tin rằng với tư cách là một công cụ đa phương, BRICS sẽ giúp cân bằng sự thống trị của phương Tây đối với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho biết cần phải cải cách cơ bản các tổ chức tài chính toàn cầu để chúng có thể linh hoạt hơn và phản ứng nhanh hơn trước những thách thức mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt.

Ông Ramaphosa cho biết Ngân hàng Phát triển Mới, được thành lập bởi các nước BRICS vào năm 2015, đang dẫn đầu con đường này. Nhà lãnh đạo Nam Phi nói rằng kể từ khi thành lập, Ngân hàng Phát triển Mới đã chứng tỏ khả năng huy động nguồn lực cho cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi, mà không cần điều kiện.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đã dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay. Tổng thống Vladimir Putin tham dự hội nghị thông qua liên kết video.

Ông Anil Sooklal, đại sứ Nam Phi tại châu Á, cho biết hôm 22/8, các bộ trưởng đã có cuộc họp nhằm hoàn thiện các khuyến nghị với các nguyên thủ quốc gia, những người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc mở rộng BRICS. Ông Sooklal cho biết 23 quốc gia đã chính thức tiếp cận BRICS để trở thành thành viên chính thức.

Trước đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại hôm 20/8, Tổng thống Ramaphosa bày tỏ Nam Phi ủng hộ việc mở rộng BRICS. Ông cho biết việc mở rộng khối sẽ đại diện cho một nhóm đa dạng các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau, có chung mong muốn về một trật tự toàn cầu cân bằng hơn.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Tổng thống Putin: BRICS sẽ hùng mạnh hơn G7 và phi đô la hóa là không thể đảo ngược
Tổng thống Putin: BRICS sẽ hùng mạnh hơn G7 và phi đô la hóa là không thể đảo ngược

BRICS sẽ trở nên hùng mạnh hơn về mặt kinh tế so với G7, Tổng thống Nga nói trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Johannesburg, Nam Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN