Chông gai BRICS đi tìm bản sắc chung

Nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung để biến sức mạnh của mỗi thành viên thành sức mạnh tập thể là nhiệm vụ chính của nguyên thủ quốc gia nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 29/3 ở thủ đô Niu Đêli (Ấn Độ). Song, dường như đây là một mục tiêu quá tham vọng đối với hội nghị chỉ kéo dài vỏn vẹn một ngày khi mà bản thân mỗi nước thành viên BRICS đang phải vật lộn với những khó khăn của riêng mình.

Logo của Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Niu Đêli.

Chấm sáng trên bức tranh tối

Nền kinh tế thế giới tiếp tục chập chững trong quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, vốn được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Châu Âu vẫn đang phải vật lộn với “con bệnh” nợ công, lây lan từ các “mắt xích yếu” trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Aixơlen… Nước Mỹ vẫn đối mặt tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng (hơn 9%), “núi” nợ công khổng lồ (15.000 tỷ USD) và khoản thâm hụt ngân sách liên bang trong tài khóa hiện nay được dự báo có thể lên tới hơn 1.400 tỷ USD. Có thể nói những đầu tàu kinh tế thế giới đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán hậu khủng hoảng của mình.

Lãnh đạo các nước BRICS tại hội nghị ở Trung Quốc tháng 4/2011.


Trên nền bức tranh ảm đạm ấy, các nền kinh tế mới nổi tại nhiều châu lục, đặc biệt là châu Á, tiếp tục tỏa sáng với những bước tiến dài đầy mạnh mẽ. Với việc kết nạp Nam Phi hồi tháng 4/2011, nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) chiếm tổng cộng 43% dân số thế giới và có tổng cộng 4.300 tỷ USD dự trữ ngoại hối, trở thành những đầu tàu mới của nền kinh tế toàn cầu. Với nền kinh tế hùng mạnh, các nước BRICS đang tái định hình bức tranh kinh tế của thế giới, mang lại niềm hy vọng và sinh lực mới. Nhiều chuyên gia nhận định thế giới đã thay đổi rất nhiều với sự nổi lên của các nước này và trọng tâm của thế giới giờ đây đã chuyển từ trục Tây sang trục Đông.

Khó khăn nội tại

Tuy nhiên, sự hưng thịnh của mỗi quốc gia thành viên BRICS không đồng nghĩa với sự hưng thịnh chung của cả khối xét trên bình diện quốc tế.

Từ lâu, trật tự kinh tế đã bị chi phối bởi các cường quốc kinh tế phương Tây như Mỹ và các quốc gia châu Âu, giúp các nước này có được tiếng nói lớn trong các tổ chức tài chính quan trọng của toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, sự ra đời của khối BRICS cùng sự phát triển nhanh chóng của khối này cho thấy cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế đang nổi và sự cần thiết phải thúc đẩy nhanh việc hình thành trật tự kinh tế thế giới mới cũng như xu thế hướng tới một thế giới đa cực để làm đối trọng với quyền lực tuyệt đối của các quốc gia công nghiệp hóa.

Từ lập luận này, lãnh đạo các nước BRICS đều ý thức được rõ rệt sự cấp bách cần tìm kiếm một bản sắc chung và thể chế hóa hợp tác của nhóm. Song, theo giới phân tích, cho đến nay vấn đề này vẫn chỉ dừng lại ở khái niệm. Hiện vẫn BRICS là một khối liên kết khá lỏng lẻo và các nước gắn bó với nhau theo mô hình quan hệ song phương nhiều hơn là đa phương nhằm tối đa hóa các lợi ích quốc gia của mình.

Đối với Braxin, Nga, Ấn Độ và Nam Phi, BRICS là một diễn đàn nhằm nhấn mạnh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và chứng tỏ họ đang nổi lên là cường quốc toàn cầu. Nhưng đối với Trung Quốc, BRICS đem lại cho họ những lợi ích hữu hình chứ không chỉ mang tính biểu tượng. Bắc Kinh chủ trương quốc tế hóa đồng nội tệ của mình – đồng nhân dân tệ (NDT) – và bước đi đầu tiên là cung cấp nhiều hơn nữa các khoản vay bằng đồng NDT cho các nước thành viên BRICS khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này có thể ảnh hưởng không tích cực tới lợi ích của các nước còn lại. Đó là khó khăn thứ nhất.

Khó khăn thứ hai mang tính bản chất hơn, đó là giữa các thành viên BRICS có quá nhiều khác biệt về thể chế và mô hình phát triển nền kinh tế đất nước, khiến mỗi nước giờ đây cũng đang phải đối mặt với những vấn đề đau đầu của riêng mình.

Trước tiên là Trung Quốc. Từ 30 năm nay, mô hình trọng xuất khẩu mà Bắc Kinh theo đuổi đã đạt nhiều hiệu quả, tăng trưởng kinh tế của nước này luôn ở mức 10%/năm. Nhưng giờ đây, Trung Quốc phải từ bỏ mô hình này để quay về hướng phát triển tiêu thụ nội địa. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm khiến tăng trưởng giảm xuống chỉ còn 7%/năm. Trung Quốc cần phải nhanh chóng đầu tư vào các khoản chính sách xã hội như hệ thống chăm sóc y tế, quỹ hưu bổng, cùng lúc đó phải tăng năng suất lao động.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nền dân chủ đang là tác nhân gây khủng hoảng. Các đảng chính trị theo chủ nghĩa dân túy trong liên minh cầm quyền lại cản trở mọi cải cách cần thiết. Họ muốn duy trì bằng mọi giá các hình thức trợ cấp lương thực, giao thông, năng lượng… để bảo tồn vấn đề an sinh xã hội. Thế nhưng, các biện pháp này lại làm nảy sinh vấn đề lạm phát và cản trở công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Như vậy, trong tương lai, Ấn Độ cũng giống như Trung Quốc cũng cần phải xem lại các vấn đề: Thâm hụt ngân sách, chính sách bảo hộ và chính sách bảo thủ trong hệ thống tài chính.

Tăng trưởng của nền kinh tế Braxin đang giảm mạnh, lạm phát vẫn cao và Ngân hàng Trung ương phải vật lộn để duy trì mức lãi suất cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Với Nga, điểm yếu là sự quá phụ thuộc vào dầu lửa.

Rõ ràng, có quá nhiều khó khăn để có thể thúc đẩy sự hợp tác nội khối. Chuyên gia Moseikin của Nga cho rằng, BRICS và các quốc gia phát triển cho tới nay đang phát triển một cách độc lập với nhau và chưa tìm được một công cụ khả thi để phối hợp các chính sách của họ. Vì vậy, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này chú trọng tới việc thiết lập những thể chế chung, nhất là một ngân hàng phát triển chung, có thể hỗ trợ việc huy động các khoản tiết kiệm giữa các nước.

Tuy nhiên, giới quan sát không quá lạc quan các nhà lãnh đạo của BRICS có thể đạt được tiến bộ trong việc hình thành một cấu trúc thể chế, và BRICS có thể vẫn chỉ là một diễn đàn "nói suông".

Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN