Chợ đồ cũ - Ấm tình người nơi xứ tuyết

Vừa "chân ướt, chân ráo" tới Luân Đôn, nghe mấy bác Việt kiều tỷ tê "hay lắm cháu ạ", tôi quyết định phải khám phá chợ đồ cũ (car-boot sales) - một nét đặc sắc của văn hóa xứ sương mù - để "mục sở thị” cuộc sống nơi miền đất mới này. Và chúng tôi háo hức lên đường vào một buổi sáng chủ nhật khi băng tuyết còn phủ trắng những thảm cỏ cứ loang loáng lùi dần trong gương chiếu hậu...

Điểm đến là một chợ đồ cũ ở khu Chiswick, gần nhà nhất trong hệ thống car-boot sales quanh Luân Đôn. Sau một hồi vừa đi vừa dò, với sự trợ giúp đắc lực của "anh chàng" Tomtom (thiết bị chỉ đường bằng tín hiệu định vị toàn cầu - GPS), chúng tôi cũng tới được trường Chiswick - nơi "họp" chợ đồ cũ vào chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng.

Lỗ vốn vẫn... cười

Những tưởng đã "xuôi chèo, mát mái", ai dè tìm chỗ đỗ xe ở gần chợ khó như chờ một ngày nắng trọn vẹn giữa thành Luân Đôn. “Toát mồ hôi” dù ngoài trời xuống dưới 0 độ, tôi đành tấp vào một chỗ cách chợ khá xa, rồi hăm hở cuốc bộ, lòng nhủ lòng "thôi thì thay tập thể dục". Phí vào cửa đối với người đi mua là 50 xu (pence), còn với người bán thì có tới 5 mức, cao nhất là 60 bảng dành cho xe tải lớn, chở nhiều hàng.

Tất cả các cốp xe đều... dựng đứng để bán hàng.


Cảnh họp chợ đông vui, tấp nập hiện ra trước mắt tôi, chỉ có điều không phải “trên bến, dưới thuyền” như làng quê Phú Thọ bên dòng sông Lô. Từng dãy xe ô tô, cái lớn cái bé, đỗ san sát nhau, xếp thành hàng, chừa ra lối đi cho người mua. Điều ngạc nhiên là tất cả cốp xe ô tô đều được đẩy lên cao hết cỡ, và thùng xe phía sau trở thành một... “gian hàng” nhỏ nhắn. “Thì ra đây chính là ý nghĩa của từ car-boot sales (bán hàng ở cốp xe)”, tôi thầm nghĩ.

Đầu thập niên 1970, khi sang Canađa du lịch, linh mục Harry Clarke đã chứng kiến cảnh mọi người nô nức đi chợ đồ cũ. Quay về Anh, ông đã mang theo ý tưởng tổ chức các car-boot sales, và ngày nay chợ đồ cũ được tổ chức đều đặn vào cuối tuần trên khắp đất nước. Không những thế, công nghệ car-boot sales online cũng đã bắt đầu xuất hiện để bán đồ cũ qua mạng.


Thấy tôi xoay đi xoay lại tìm góc tốt để chụp ảnh, một người phụ nữ trung niên đứng sau chiếc Mercedes cười tươi đon đả: “Nào, vào mua hàng của tôi đi!”. Một chiếc bàn được kê trước mặt bà, trên bày đủ thứ, nào là đồng hồ, rèm cửa, máy in, cốc chén, dao dĩa... được xếp ngăn nắp. Vui vẻ bắt chuyện, bà Alice ở quận Ealing cho biết, gia đình vừa chuyển nhà mới, nên đồ đạc cũ không dùng đến, đem ra đây xem ai có nhu cầu thì bán.

Anh John tiếp một khách hàng “nhí”.

Hỏi ra mới vỡ lẽ, không món hàng nào cao quá 2 bảng, trừ chiếc máy in hiệu Canon “3 trong 1”. Như thấu hiểu sự ngạc nhiên trong ánh mắt tôi, bà Alice bảo rằng đây là niềm vui lớn khi biết đồ đạc của mình vẫn còn hữu ích, vẫn có người cần dùng đến, chứ không phải vứt vào thùng rác. “Này, nếu tính cả tiền vào cửa 30 bảng, tôi lỗ nặng đấy”, bà cười sảng khoái trong ánh bình minh.

Một “gian hàng” ở chợ đồ cũ Chiswick.

Đây cũng là điều mà tôi từng chứng kiến ở New York (Mỹ) khi làm phóng viên thường trú TTXVN tại đó. Người nào có đồ đạc không còn dùng đến đều cẩn thận để riêng ra một chỗ khá khô ráo, sạch sẽ, chứ không lẫn vào rác. Và những người có nhu cầu có thể mang về sử dụng. Đồ đạc được tái sử dụng một cách hữu ích, tránh lãng phí, tránh ô nhiễm môi trường. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, giá cả leo thang, thì những chợ đồ cũ lại càng “lên ngôi”. Không ít người dân Anh đã tìm đến chợ đồ cũ để sắm sanh, vừa rẻ, vừa thỏa mãn nhu cầu.

Ai cũng “tay xách nách mang” rời chợ về nhà.

Anh Chang, một người gốc Trung Quốc, khoe với tôi chiếc áo lông vừa mua được với giá 5 bảng, giọng hào hứng: “Nó còn khá mới đấy chứ. Giờ thì tôi yên tâm đón mùa đông rồi”. Lướt qua trước mắt tôi, vô vàn khuôn mặt hả hê, sung sướng vì tìm được món đồ đang cần với giá rất “hữu nghị”. Dường như với họ, nhu cầu tiết kiệm và giá trị sử dụng của hàng hóa mới là điều đáng để bàn đến.

“Tôi yêu trẻ con lắm”


Một giọng nam trầm cất tiếng: “Các cậu bé, đến đây xem rôbốt nào!” đã kéo tôi ra khỏi mấy “gian hàng” quần áo. John, người đàn ông có khuôn mặt vui nhộn đến từ quận Croydon, đang đứng sau chiếc bàn bày đầy đồ chơi cũ, vừa vẫy tay như mời gọi, vừa cúi xuống trả lời mấy vị khách “nhí”. Cử chỉ thân thiện của John đã tạo ra ấn tượng mạnh, chí ít cũng giúp tôi đỡ hoài nghi về tính cách “phớt” Ănglê của người dân xứ sương mù lạnh lẽo. Một cậu bé cầm bức tượng siêu nhân hỏi giá, John đáp không đắn đo “50 xu”. Chú bé trả tiền, định quay đi, bỗng John cầm thêm một siêu nhân nữa, giúi vào tay: “Tặng thêm cháu”. Cậu bé chớp chớp mắt cảm ơn.
Đợi John vãn khách, tôi lân la làm quen. Hóa ra John phải đến đây từ 5 giờ sáng để đăng ký được một chỗ ưng ý. Tôi hỏi: “Sao nhà anh nhiều đồ chơi thế?”, John cười đáp: “Đâu có, tôi đi nhặt nhạnh ở khắp nơi đấy chứ. Tôi yêu trẻ con lắm, nên tôi chọn bán các loại đồ chơi. Vừa bán vừa cho. Được bao nhiêu, tôi lại làm từ thiện”. Câu chuyện đứt quãng khi một nhóm các cậu bé, cô bé ào đến.


John tất bật đáp ứng yêu cầu “xoay như chong chóng” của đám trẻ. Tìm được đồ chơi ưa thích, lại được giúi thêm khi thì con rôbốt, khi thì búp bê, các cậu bé cô bé sung sướng ra về, mang theo cả nụ cười của chú John hóm hỉnh.


Đúng như John nói, chợ đồ cũ ở khu Chiswick này do cha mẹ học sinh tình nguyện đứng ra tổ chức hàng tháng. Lệ phí vào cửa thu của cả người bán và người mua được gửi tới Hội cha mẹ - giáo viên trường Chiswick để cải thiện cơ sở vật chất, đặc biệt là trang thiết bị nghiên cứu khoa học, cho trẻ em vùng này.


Bài và ảnh:Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN